Bộ Công an đã và đang mưu cho Chính phủ xây dựng nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, có quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính bị trừ điểm GPLX.
Giới thiệu về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, dự án luật có 9 chương, 89 điều. Việc xây dựng luật nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và cam kết thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, Chương I quy định chung gồm 9 điều; Chương II: quy tắc giao thông đường bộ gồm 24 điều; Chương III: phương tiện giao thông đường bộ gồm 22 điều; Chương IV: người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm 9 điều.
“Chương này quy định tích hợp các loại giấy tờ của người lái xe vào tài khoản định danh điện tử và quy định việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử; quy định phân hạng GPLX để tạo thuận lợi cho phát trển kinh tế, du lịch và đầu tư du lịch. Luật quy định điểm của GPLX, trong đó điểm của GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng còn giới thiệu các quy định về tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ…
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc truyển khai thực hiện quy định trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) với người vi phạm TTATGT, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, để chuẩn bị cho việc thực hiện quy định này, Bộ Công an đã và đang mưu cho Chính phủ xây dựng nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, có quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính bị trừ điểm GPLX.
Dự kiến, với các hành vi đã bị trừ điểm sẽ không quy định tước GPLX. Bộ Công an cũng song song đang chuẩn bị và sẽ ban hành Thông tư quy định cụ thể kiểm tra lại kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ đối với các trường hợp bị trừ hết điểm. "Khi bị trừ hết điểm sẽ có quy định phải học và kiểm tra lại kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ đối với người vi phạm. Khi đủ điều kiện mới cấp lại điểm trong GPLX" - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nói.
Về ứng dụng khoa học công nghệ trong việc trừ điểm, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, để thuận tiện cho việc trừ điểm, cải cách thủ tục hành chính, tránh gây nhầm lẫn, phiền hà trong việc trừ điểm với người dân vi phạm, Bộ Công an sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về vi phạm, xử lý vi phạm TTATGT.
"Chúng tôi đang làm dự án cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm TTATGT trên cả nước và cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm TTATGT thuộc thẩm quyền của Bộ Công an. Hiện có 85% các quyết định xử lý vi phạm hành chính do thẩm quyền của Bộ Công an nên cơ sở dữ liệu sẽ được tích hợp đầy đủ từ trước đến nay, có thể kết nối liên thông, chia sẻ, xác định việc vi phạm của công dân cụ thể vào từng thời điểm và rất dễ dàng trong việc truy xuất, xử phạt tiếp theo. Cơ sở dữ liệu về trừ điểm GPLX cũng nằm trong cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm TTATGT, đảm bảo các bước trừ điểm hoàn toàn tự động" – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nói thêm.
"Từ 1/1/2025, khi luật, nghị định, thông tư có hiệu lực thì việc trừ điểm hoàn toàn tự động và được kết nối với VNeID và Cổng dịch vụ công quốc gia để thông báo cho người được trừ điểm biết các hành vi vi phạm bị trừ bao nhiêu điểm, số điểm còn lại bao nhiêu. Việc này sẽ rất thuận tiện và việc theo dõi, quản lý trừ điểm sẽ được thực hiện trên cơ sở dữ liệu vi phạm hành chính về TTATGT. Tất cả đều kết nối liên thông, tự động, không có sự can thiệp trái pháp luật của con người" – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, luật tiếp tục kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định ngưỡng lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn cũng ở mức 0. Còn với người lái xe máy thì chấp nhận trong máu và hơi thở có nồng độ cồn nhưng quy định rõ ngưỡng không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Trong Luật TTATGT đường bộ quy định nồng độ cồn bằng 0.
Việc này, xuất phát từ Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tiến tới xây dựng văn hóa trong giao thông đã điều khiển phương tiện thì không uống rượu bia. "Quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông bằng 0 nhằm thiết lập văn hóa về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra. Bởi lẽ tính chung tỉ lệ về tai nạn giao thông trong thời gian qua thì người điều khiển có nồng độ cồn trong máu và hơi thở gây tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng số các vụ tai nạn giao thông xảy ra" – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nói.
Nguồn tin: cand.com.vn
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...