Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự hội nghị có đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công an; lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính, Giám đốc Công an, lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ Công an 7 tỉnh thành…
Năm 2023, trên địa bàn 7 tỉnh thành đã xảy ra 14.520 vụ phạm tội về TTXH. Số vụ xảy ra trong khu vực chiếm 24,9% tổng số vụ phạm tội về TTXH trên cả nước (14.520/58.086 vụ), riêng TP Hồ Chí Minh chiếm 11,15% tổng số vụ cả nước.
So với năm 2022, các địa phương đã kéo giảm tội phạm về TTXH, đã điều tra làm rõ 10.105 vụ, 12.467 đối tượng. Trong đó, các địa phương đạt và vượt chỉ tiêu điều tra khám phá gồm Bà Rịa-Vũng Tàu (81,16%), Bình Dương (87,12%), Tây Ninh (87,66%), Long An (87,31%)…
Tại hội nghị, Công an một số địa phương trong cụm và lãnh đạo địa phương, Cục nghiệp vụ Bộ Công an đã thảo luận nhiều vấn đề thiết thực cũng như những thuận lợi, khó khăn trong việc phối hợp đảm bảo ANTT địa bàn giáp ranh các tỉnh thành…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã ghi nhận, biểu dương những thành tích các địa phương trong cụm đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với Công an 7 địa phương, giúp lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo đó, 5 nội dung phối hợp được xác định trong Quy chế 303 (về phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh Quốc gia; phối hợp trong công tác bảo đảm TTATXH; phối hợp tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp trong xử lý các vụ việc cụ thể; phối hợp trong xây dựng lực lượng CAND) đã được thực hiện tại 3 cấp Công an (tỉnh, huyện, xã) của 7 tỉnh thành, nhất là các địa bàn giáp ranh, đạt được những kết quả tích cực. Công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa Công an các tỉnh thành đã được quan tâm.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nêu rõ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, do đó, yêu cầu Công an 7 tỉnh thành trong năm 2024 phải sớm nhận diện các nguy cơ, thách thức, khó khăn đang đặt ra để từ đó chủ động, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp về ANTT có thể xảy ra từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở.
Công an 7 tỉnh thành quán triệt cho đội ngũ CBCS tại 3 cấp quán triệt, nhận thức rõ quan điểm: Việc phối hợp giữa Công an các đơn vị, địa phương vừa là trách nhiệm, vừa là mệnh lệnh công tác của lực lượng vũ trang; không phải là chỉ khi có quy chế phối hợp mới thực hiện; quy chế phối hợp là để làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn.
Với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng chỉ đạo cần phải phát huy vai trò tư lệnh lĩnh vực, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn địa phương thực hiện…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu Công an 7 tỉnh thành cần phải xác định 3 vấn đề trọng tâm (phòng ngừa xã hội; phòng ngừa nghiệp vụ; biện pháp tố tụng, công tác điều tra, xử lý tội phạm), quyết tâm thực hiện mục tiêu kéo giảm 5% tội phạm về TTXH so với năm 2023.
Bên cạnh đó, Công an 7 tỉnh thành phải xác định rõ nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng, phức tạp một số loại tội phạm, triệt tiêu các điều kiện nảy sinh tội phạm...
Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy