4 dự án luật Bộ Công an trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5: Nhiều nội dung quan trọng

Thứ hai - 22/05/2023 05:30
Tại Kỳ họp thứ 5 này, Bộ Công an sẽ trình Quốc hội 4 dự án luật do Bộ được giao chủ trì soạn thảo. Đây đều là những dự án quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân và tác động đến kinh tế - xã hội.
bo truong to lam 4267
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình về dự án Luật Căn cước tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 vừa qua.

Trong đó, có hai dự án luật được Quốc hội (QH) xem xét, thông qua là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Hai dự án luật được QH xem xét, cho ý kiến là Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Luật Căn cước ra đời sẽ gắn liền với Luật Giao dịch điện tử

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước. Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án Luật thay đổi tên gọi thành Luật Căn cước vì nội dung thay đổi căn bản so với Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014, sửa đổi tất cả 39 điều, bổ sung 7 điều. Trong dự án Luật này, cách thức quản lý công dân thay đổi hoàn toàn, chuyển từ quản lý thủ công trước đây sang quản lý cả thủ công và điện tử.

“Luật Căn cước ra đời sẽ gắn liền với Luật Giao dịch điện tử. Nếu Luật này không được thông qua thì Luật Giao dịch điện tử rất khó thực hiện vì người dân phải có công cụ, có định danh, phương thức trên điện tử thì mới thực hiện được. Không phải là mấy cơ quan của Chính phủ giao dịch với nhau là trở thành Chính phủ điện tử, quan trọng nhất là mọi người dân đều thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Giải thích thêm về việc vì sao lại đổi CCCD sang thẻ Căn cước, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, Căn cước không phải để xác định quyền công dân mà là để xác định căn cước của người dân, tức là xác định được “anh là ai” để mọi người dân đều được bình đẳng trước pháp luật, có pháp nhân, địa vị pháp lý để giao dịch trong cuộc sống. “Tôi lấy ví dụ, một số người bị tước một số quyền công dân, phải vào tù nhưng vẫn có CCCD. Tức là họ vẫn có quyền giao dịch, quyền sở hữu đất đai, phương tiện giao thông”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, trên thực tế, nếu theo cách thức quản lý trên giấy, sẽ có 3 triệu người không có giao dịch vì họ là người tàn tật, ốm yếu, cả đời không ra khỏi thôn, bản nên không có nhu cầu làm các giấy tờ. “Chúng tôi đi làm, có những người nói rằng, chưa bao giờ được chụp ảnh, được có bất cứ giấy tờ gì. Khi các chú Công an đến chụp ảnh, họ rất mừng. Cách thức quản lý trước đây là ai cần phải đến cơ quan chức năng để làm, còn bây giờ đã thay đổi, trừ những người đã đến làm rồi, những người chưa làm thì cơ quan chức năng tìm đến để quản lý, cấp giấy tờ cần thiết cho họ, theo đúng chủ trương của Đảng là không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, khi thực hiện việc này sẽ vô cùng tiết kiệm cho ngân sách và hiệu quả, không cần tổng điều tra dân số, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ, CCCD của chúng ta hiện nay là một trong những giấy tờ hiện đại trên thế giới, chúng ta đang phấn đấu trong ASEAN sẽ thống nhất các loại giấy tờ, như vậy công dân Việt Nam có thể đi lại trong ASEAN bằng thẻ Căn cước.

Khắc phục vướng mắc trong thực tiễn công tác của lực lượng Công an

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, qua thẩm tra, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của QH nhất trí bổ sung 6 vị trí cấp Tướng như tờ trình và dự thảo Luật (1 vị trí cấp bậc hàm cao nhất Thượng tướng, 5 vị trí cấp bậc hàm cao nhất Thiếu tướng) vì không vượt quá số lượng cấp Tướng trong CAND do Bộ Chính trị quy định, phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an. Về 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng gồm Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân; 1 Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; 2 vị trí Phó Cục trưởng tại đơn vị thuộc Bộ Công an.

UBQPAN cũng nhất trí quy định cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với chức vụ Trưởng Công an TP thuộc TP trực thuộc Trung ương và Trung đoàn trưởng ở các đơn vị chiến đấu hoặc địa bàn trọng điểm (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an một số địa phương như Hà Nội, TP HCM). Đây là các đơn vị có tính chất đặc thù, được tổ chức tập trung, tính cơ động và sẵn sàng chiến đấu cao, trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Còn dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam gồm 3 điều. Trong đó, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Nổi bật, việc sửa đổi khoản 1, khoản 3 Điều 6 về giấy tờ xuất nhập cảnh và sửa đổi, bổ sung khoản 2, bổ sung khoản 9 Điều 15 về cấp hộ chiếu phổ thông trong nước, vì việc yêu cầu công dân phải nộp, xin các giấy tờ đến giờ này là không cần thiết, Bộ Công an đã có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và có thể khai thác các thông tin liên quan trong Cơ sở dữ liệu này. Hay việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 và một số khoản của Điều 9 về việc nâng thời hạn thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng (90 ngày) sẽ giúp người nước ngoài vào Việt Nam có hoạt động dài hơi hơn, từ đó thu hút khách du lịch, nhà đầu tư vào Việt Nam nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư hơn, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương. Việc điều chỉnh này sẽ bảo đảm không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách và góp phần kiện toàn, tinh gọn thống nhất một đầu mối; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở…

Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy

Nguồn tin: Báo Pháp luật điện tử

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay26,548
  • Tháng hiện tại110,446
  • Tổng lượt truy cập4,918,776
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây