Luật Căn cước gồm 7 chương 46 điều, trong đó có nhiều nội dung mới cơ bản so với Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014. Trước hết, Luật Căn cước đổi tên “Thẻ CCCD” thành “Thẻ căn cước”. Việc quy định như vậy giúp thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch… Quy định tên gọi là thẻ căn cước cũng không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân. Việc đổi tên thẻ còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, Luật Căn cước mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật CCCD năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của chính phủ số, xã hội số.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), đồng thời phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ, Luật Căn cước cũng có một số quy định mới. Thông tin trên thẻ căn cước ngoài những thông tin về căn cước thì còn bổ sung, tích hợp thêm một số thông tin khác (gồm thông tin sinh trắc học, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp), việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng những giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện TTHC, dịch vụ công và các giao dịch khác. Công dân có thẻ căn cước điện tử sử dụng để thực hiện TTHC, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử (VNeID). Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước mà chưa có điều kiện thực hiện việc cấp lại thẻ thì có thể thực hiện việc khai thác, sử dụng thông tin tích hợp qua căn cước điện tử.
Theo Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh: Luật Căn cước được thông qua có những tác động tích cực đến cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư... Cụ thể, về phục vụ giải quyết TTHC, Luật Căn cước quy định về việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (như lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động...) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, Luật Căn cước quy định việc nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chíp điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước... lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ CCCD gắn chíp điện tử.
Đặc biệt, với mục tiêu phục vụ công dân số, hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề... Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các TTHC, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Do vậy, Luật Căn cước đã có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước, phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ căn cước vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách TTHC.
Bên cạnh đó, Luật Căn cước ra đời góp phần hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ người dân một cách chính xác và thuận lợi hơn. Ngoài ra, Luật Căn cước còn phục vụ hiệu quả hơn công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin.
Có thể thấy, với tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư là xu hướng tất yếu. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Tác giả: Theo Báo Hà Nam