Chiều 14/5, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm việc với Tỉnh Hà Nam.
Cùng làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Vũ Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đại diện lãnh các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tiếp và làm việc có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố.
Thay mặt Tỉnh ủy Hà Nam, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong bối cảnh có nhiều biến động, tỉnh Hà Nam phải trải qua 02 đợt dịch Covid-19, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và sự ủng hộ của các ban, bộ, ngành TW; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam đã đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, toàn diện công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, đạo đức; tổ chức cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; công tác dân vận; nội chính, cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW 4 và Kết luận số 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 và Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng; đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTXH: đến nay kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển; nửa nhiệm kỳ qua, đã thực hiện đạt và vượt mức 07/18 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,06%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 13,95%/năm, bảo đảm tự chủ ngân sách từ năm 2022. Sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá. Hạ tầng KT-XH được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. VH-XH có nhiều hoạt động sôi nổi, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu Nhân dân và quảng bá hình ảnh, con người, quê hương Hà Nam với bạn bè trong nước và quốc tế. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được quan tâm.
Tại buổi làm việc, tỉnh Hà Nam đề xuất một số vấn đề với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác: Đề nghị Quốc xem xét bổ sung NQ số 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; tiếp tục quan tâm bố trí vốn ngân sách TW để thực hiện NQ số 30 của Bộ Chính trị về xây dựng Khu du lịch Tam Chúc, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc Mông trắng thành Di sản; Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc để kết nối giao thông đồng bộ giữa tỉnh Hà Nam với tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của các tỉnh trong vùng; quan tâm chỉ đạo để Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2 sớm đi vào hoạt động; hỗ trợ vốn ngân sách TW để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành 02 bên đường Vành đai 5 nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của TW trên địa bàn tỉnh và kết nối với các tỉnh trong khu vực để phát triển KTXH...
Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã công tác nêu một số vấn đề Hà Nam cần quan tâm thực hiện, trong đó cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng tỷ lệ đô thị hoá, quan tâm đầu tư hạ tầng KTXH đáp ứng yêu cầu phát triển; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; phát triển đột phá về du lịch…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng trước những đổi mới của tỉnh Hà Nam, thể hiện sự sáng tạo, có định hướng tư duy, tầm nhìn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó có đột phá phát triển các ngành, tập trung xây dựng NTM, CCHC, phát triển toàn diện KT- XH. Hà Nam trở thành một tỉnh phát triển năng động, kinh tế tăng trưởng nhanh. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự thẳng thắn của BTV Tỉnh ủy Hà Nam trong việc chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Trong đó, Hà Nam cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Tỉnh. Chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; làm tốt công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng; trọng tâm là thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị và các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; đặc biệt, phải có giải pháp quyết liệt để nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới; quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ.
Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của Tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển các vùng động lực. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh và đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm gắn công tác quy hoạch với kết nối vùng. Thúc đẩy liên kết vùng, nhất là với các địa phương thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị; phát huy lợi thế là cửa ngõ phía Nam Hà Nội để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Nam rà soát lại mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, từ đó khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, đổi mới tư duy, tầm nhìn, quan điểm phát triển, sớm đưa Hà Nam trở thành tỉnh giàu mạnh xứng tầm với tiềm năng phát triển. Tỉnh cần bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội; đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Tập trung phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghiệp xanh, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với các khu vực kinh tế trong vùng và cả nước. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp - dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông nghiệp với quá trình đô thị hóa theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Phát triển mạnh thương mại - dịch vụ - du lịch, logistics; khai thác tiềm năng, lợi thế của Khu du lịch quốc gia Tam Chúc và các di tích văn hoá, lịch sử, tâm linh trên địa bàn Tỉnh để phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, điều chỉnh dự án nhiều lần; không để xảy ra sai phạm trong đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ các dự giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn các chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; quyết liệt tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án giải ngân vốn đầu tư công.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, y tế theo hướng linh hoạt, thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh; bảo đảm an sinh, tăng cường phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững.
Tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, của HĐND các cấp; tiếp tục đóng góp có hiệu quả đối với công tác lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, quan tâm đến những chương trình hoạt động của Quốc hội, nhất là các chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm 2023, 2024. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, nhằm phòng ngừa vi phạm và xử lý kịp thời những vi phạm, khuyết điểm.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển KTXH của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới. Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội sẽ đôn đốc và giám sát quá trình triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy
Nguồn tin: Đài phát thanh và truyền hình Hà Nam:
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...