Hằng năm cứ đến hè, tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Mới đây nhất, vào chiều tối ngày 05/4/2023, một nhóm học sinh gồm 5 em rủ nhau đi tắm tại khu vực hồ chứa nước Vực Trống nằm trên địa bàn thôn Tân Bình, xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Trong lúc tắm, 2 em N.N.K.L. và T.B.Tr. bị đuối nước. Phát hiện sự việc nhóm bạn đi cùng đã hô hoán và gọi người tới ứng cứu. Tuy nhiên, khi người dân và lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường thì cả 2 em đã tử vong.
Trước đó cũng xảy ra một vụ đuối nước tại biển Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng cướp đi sinh mạng 3 em học sinh lớp 7, Trường THCS Quang Trung. Được biết, khoảng 13h ngày 25/3/2023, 10 học sinh cùng lớp rủ nhau xuống biển Thạch Hải để tắm nhưng không may sẩy chân xuống vùng nước sâu khiến 3 em đuối nước. Qua những vụ việc trên, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước luôn rình rập đối với trẻ em.
Hà Nam là tỉnh có hệ thống sông, hồ, ao, đầm dày đặc, nhất là tại các vùng nông thôn. Đây là một trong những nguy cơ cao tiềm ẩn tai nạn về đuối nước cho trẻ em. Để góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh, nhất là trong dịp nghỉ hè, Công an tỉnh Hà Nam đề nghị Nhân dân, đặc biệt là những gia đình có trẻ em, học sinh cần chú ý thực hiện tốt một số biện pháp sau: Thường xuyên nhắc nhở và quản lý, trông coi, giám sát chặt chẽ con, em mình, không để các cháu tự do đi tắm, bơi lội, chơi đùa gần ao, hồ, sông, biển, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước. Cho con, em mình tham gia các lớp học bơi trong dịp hè; hướng dẫn các cháu đi tắm, bơi lội ở những nơi được phép, có người, phương tiện cứu hộ và tuân thủ các quy định của bể bơi, bãi tắm. Chấp hành nghiêm các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy, như mặc áo phao, cài dây bảo hiểm, sử dụng phao cứu sinh… Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi cũng chỉ nên tắm gần bờ và tắm ở khu vực an toàn. Đặc biệt, khi phát hiện thấy người bị rơi, ngã xuống nước hoặc có dấu hiệu đuối nước cần kịp thời hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ... Đồng thời, tăng cường công tác cảnh báo nguy cơ đuối nước và vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại xã, phường, thị trấn, trường học, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi, phòng, chống đuối nước.
Cán bộ, chiến sỹ phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh và giáo viên trường Tiểu học xã Phù Vân, TP. Phủ Lý
Ngoài ra, Công an tỉnh Hà Nam cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguyên nhân, hậu quả và hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, chống, ứng phó trong hoàn cảnh bị đuối nước và cứu người bị đuối nước cho trẻ.
Tai nạn đuối nước đối với trẻ em là nỗi đau không gì bù đắp được cho gia đình và xã hội. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải luôn dạy trẻ về nguyên nhân và những nguy cơ đuối nước; trang bị cho các em những kĩ năng mềm, kĩ năng sống cần thiết, những bước sơ cứu khi xảy ra sự cố… chỉ khi đồng bộ các giải pháp và có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, tình trạng đuối nước ở trẻ mới được đẩy lùi. Vì vậy, để trẻ em có một mùa hè an toàn, mỗi gia đình và toàn xã hội cần quan tâm, tích cực nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ để không có các vụ việc đáng tiếc xảy ra./.