Những hình thức thông báo phạt nguội
Phạt nguội là một biện pháp quản lý và xử lý vi phạm giao thông được áp dụng rộng rãi trong hệ thống quản lý giao thông hiện nay nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường. Một trong những công cụ quan trọng giúp việc phát hiện và xử lý vi phạm giao thông là hệ thống camera được lắp đặt tại các điểm quan trọng trên đường phố. Hệ thống camera này có khả năng ghi lại hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, từ việc vượt đèn đỏ, tốc độ quá nhanh đến không tuân thủ các biển báo giao thông. Những hình ảnh và thông tin này sau đó được truyền về trung tâm xử lý vi phạm giao thông.
Thông tư số 32/2023/TT-BCA, ngày 01/8/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông quy định:
Các trường hợp vi phạm "phạt nguội" đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an.
Nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thì đến trụ sở Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin); đồng thời đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an để người dân chủ động tra cứu, chấp hành việc xử phạt.
Quy trình xử phạt nguội vi phạm giao thông
Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định 165/2013/NĐ-CP và Điều 28 Thông tư 32/2023/TT-BCA, quy trình xử phạt nguội vi phạm giao thông thực hiện như sau:
Bước 1: Phát hiện vi phạm giao thông
Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hình ảnh phương tiện vi phạm giao thông được ghi lại.
Bước 2: Hình ảnh vi phạm được chuyển cho bộ phận trích xuất
Lưu lại các thông tin về phương tiện vi phạm như biển số xe, thời gian vi phạm, tuyến đường vi phạm, lỗi vi phạm… Sau đó in hình ảnh vi phạm kèm theo phiếu xác nhận kết quả vi phạm, chuyển cho lực lượng Cảnh sát giao thông để làm căn cứ xác định vi phạm và xử phạt. Việc giao, nhận hình ảnh vi phạm kèm phiếu xác nhận kết quả phải được ghi chép vào sổ theo dõi, ký nhận và lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Bước 3: Xác định thông tin phương tiện, chủ xe
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, Cảnh sát giao thông nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện như sau:
- Xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan
- Trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính thì chuyển kết quả thu thập được đến Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.
Bước 4: Gửi thông báo phát hiện vi phạm
Gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính.
Nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thì yêu cầu đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính. Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin).
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo thông báo phạt nguội
Cùng với các tỉnh trên cả nước, tỉnh Hà Nam hiện đang triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông qua hình thức phạt nguội tại địa bàn TP. Phủ Lý ở các nút giao, như: Nguyễn Phúc Lai – Lê Duẩn; nút giao Biên Hòa – Quốc lộ 1A; nút giao Trần Thị Phúc – Đinh Tiên Hoàng và nút giao Biên Hòa - Lê Công Thanh. Ngoài 4 vị trí này, ở hầu hết các tuyến giao thông trên địa bàn thành phố còn có gần 70 điểm có hệ thống camera an ninh giám sát. Hệ thống giám sát hoạt động 24/24h, ghi lại toàn bộ hoạt động cũng như vi phạm của người dân khi tham gia giao thông. Đây là cơ sở để lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt các trường hợp người dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Lợi dụng việc phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, một số đối tượng xấu đã có nhiều hình thức tinh vi, lừa đảo người dân để chiếm đoạt tài sản. Theo đó, thời gian gần đây thường xảy ra tình trạng tội phạm giả mạo Cảnh sát giao thông thông báo cho người dân về lỗi vi phạm giao thông dưới hình thức “phạt nguội” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kịch bản thường thấy của các cuộc gọi này là yêu cầu người nghe chuyển tiền vào tài khoản định sẵn hoặc cung cấp mã OTP nhằm chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội”. Tuy vậy, người dân phải đặc biệt chú ý Cảnh sát giao thông không được gọi điện thông báo phạt nguội mà phải gửi thông báo vi phạm bằng văn bản cho người dân, vì vậy mọi cuộc gọi tự xưng Cảnh sát giao thông thông báo phạt nguội đều là lừa đảo.
Hình ảnh minh họa
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm lừa đảo “thông báo phạt nguội” vi phạm giao thông trên địa bàn, Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này, cảnh giác với các cuộc gọi thông báo liên quan đến biên lai “phạt nguội”. Đặc biệt là không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, căn cước công dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ email) cho bất kỳ ai. Đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh “mắc bẫy của đối tượng xấu”. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để lực lượng Công an các có biện pháp xử lý kịp thời./.