Người dân sẽ dùng căn cước điện tử trong nhiều giao dịch

Thứ tư - 17/04/2024 20:54

Từ 1/7, mỗi công dân sẽ được cấp một căn cước điện tử để làm thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác, thay vì phải mang theo thẻ căn cước bản cứng.

Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 1/7 quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử (e-ID), do Bộ Công an tạo lập ngay khi có tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID.

Căn cước điện tử gồm các thông tin trong thẻ căn cước, như họ tên, số định danh cá nhân, quốc tịch, nơi sinh, quê quán, tôn giáo, nhóm máu, nơi thường trú, nơi tạm trú, số điện thoại, thư điện tử, nghề nghiệp (trừ công an, quân đội, cơ yếu), thông tin nhân dạng như khuôn mặt, vân tay, mống mắt...

Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn (trừ giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp) sẽ được tích hợp vào căn cước điện tử, nếu công dân có nhu cầu. Những thông tin này phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Người dân dùng căn cước điện tử thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch, hoạt động dân sự khác. Thời gian tới, Chính phủ sẽ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử cho công dân.
 

Khi thực hiện các giao dịch, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trên thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin từ căn cước điện tử.

Căn cước điện tử bị khóa khi chính chủ yêu cầu hoặc vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dân bị thu hồi hoặc giữ thẻ căn cước, bị chết, thì căn cước điện tử cũng bị khóa. Cơ quan tố tụng hoặc cấp có thẩm quyền có quyền yêu cầu khóa căn cước điện tử.

Sau khi chính chủ đề nghị khóa căn cước điện tử, nếu có yêu cầu mở khóa, sẽ được đáp ứng. Trường hợp bị khóa do vi phạm, căn cước điện tử được mở khi người dân đã khắc phục. Thẻ căn cước bị thu hồi được trả lại thì căn cước điện tử cũng được mở. Cơ quan tố tụng và cấp có thẩm quyền cũng được yêu cầu mở khóa căn cước điện tử.

Người dân sẽ nhận được thông báo nếu căn cước điện tử bị khóa. Chính phủ sẽ quy định trình tự khóa, mở căn cước điện tử.

Căn cước điện tử được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng phổ biến. Ngoài lưu trữ thông tin cá nhân, e-ID còn được dùng trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm y tế, thanh toán điện tử, ký văn bản điện tử bằng chữ ký số, mua vé giao thông công cộng và thậm chí là bỏ phiếu.
 

Phần Lan lần đầu tiên cấp e-ID cho công dân vào năm 1999 bởi các ngân hàng, cho phép người dân đăng nhập vào các cơ quan, trường đại học, ngân hàng trong nước và thực hiện các khoản thanh toán lớn bằng cách sử dụng dịch vụ thanh toán di động.

Estonia cấp e-ID từ năm 2002, cung cấp dịch vụ điện tử công và là quốc gia đầu tiên cho bỏ phiếu bầu cử qua di động, năm 2011.

Căn cước điện tử được Indonesia thử nghiệm ở sáu khu vực vào năm 2009 và ra mắt trên toàn quốc vào năm 2011.

Năm 2018, Trung Quốc hợp tác với nền tảng ví điện tử Alipay thí điểm cấp thẻ căn cước điện tử và mã QR tại một số thành phố lớn, sau đó mở rộng ra nhiều nơi khác. Bằng cách quét mã QR trên điện thoại, người dân có thể sử dụng các dịch vụ công, đặt phòng, mua vé tàu mà không cần mang theo thẻ căn cước cứng. Tuy nhiên đến nay, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử vẫn chưa được phổ biến tại Trung Quốc vì thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành, người dân vẫn cần xuất trình thẻ căn cước cứng.

Tác giả: Theo vnexpress

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập101
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay17,531
  • Tháng hiện tại492,347
  • Tổng lượt truy cập5,300,677
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây