Trong bài viết đăng tải trên Đặc san của Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Tiến sĩ Chính trị học Sergio Rodríguez Gelfenstein, nguyên Giám đốc Quan hệ Quốc tế của Phủ Tổng thống Venezuela, nhắc lại rằng, sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, QĐND Việt Nam đã phá hủy toàn bộ hệ thống công sự Điện Biên Phủ, giải phóng các vùng chiến lược liên quan và 3/4 lãnh thổ của đất nước cũng như ghi dấu nhiều chiến công tại các nước láng giềng Lào và Campuchia.
Ông đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng toàn bộ miền Bắc Việt Nam, tạo điều kiện cho cuộc chiến đấu thống nhất đất nước sau đó. Ông khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Geneva ghi dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Đông Dương, ngăn chặn kế hoạch mở rộng chế độ thực dân tại Đông Nam Á, đồng thời cổ vũ các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Chia sẻ quan điểm này, nhà sử học người Anh John Callow khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ đã phá vỡ sự thống trị thuộc địa của phương Tây (dù là về quân sự, văn hóa hay kinh tế) và mở ra tầm nhìn giải phóng dân tộc cho các dân tộc trên toàn cầu. Chiến thắng là nguồn cảm hứng trực tiếp cho những chiến sĩ đấu tranh chống lại thực dân Pháp ở Bắc Phi, khơi dậy phong trào kháng chiến ở Algeria và đưa ra chiến lược chính trị kết hợp quân sự, giúp cung cấp thông tin cho Cách mạng Cuba và các cuộc đấu tranh của phong trào giải phóng Frelimo ở Mozambique và nhóm MK (hay còn gọi là Ngọn giáo quốc gia) ở Nam Phi thời kỳ phân biệt chủng tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ truyền cảm hứng hành động cho nhiều thế hệ những người đấu tranh cho tự do như Ben Bella, Samora Machel, Che Guevara, Angela Davis, Thomas Sankara và Chris Hani. Ông cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần vẽ lại bản đồ thế giới và phân phối lại quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu trên cơ sở công bằng hơn.
Ông Kyril Whittaker, nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Anh, đồng tình với quan điểm này và cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ mang tính đột phá không chỉ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do từ tay chủ nghĩa thực dân và đế quốc mà còn đối với các phong trào giải phóng ở Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Ông khẳng định, Cách mạng Việt Nam, trong đó có Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã tác động sâu sắc tới toàn thế giới, thể hiện sức mạnh giải phóng của nhân dân chống chủ thực dân và đế quốc vì hòa bình và độc lập dân tộc. Ông nhấn mạnh, sau 70 năm, thông điệp từ Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, chống thực dân và là thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc bị xâm lược, bị áp bức ở châu Á, là tấm gương sáng về không sợ cường quyền, lấy yếu thắng mạnh. Theo ông, chiến thắng Điện Biên Phủ có được trước hết nhờ sự lãnh đạo tài tình, mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt, sự chiến đầu anh dũng của toàn quân và dân Việt Nam, ngoài ra còn có sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước XHCN, trong đó có Trung Quốc.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là chiến thắng vĩ đại của quân và nhân dân Việt Nam, có sự đóng góp quan trọng của sức mạnh đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam – Lào - Campuchia nói chung và sự phối hợp chặt chẽ của Quân giải phóng Pathet Lào nói riêng. Bà nhấn mạnh: “Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi vẻ vang của QĐND Việt Nam. Đây là chiến thắng vĩ đại chưa từng có trong lịch sử đấu tranh vũ trang của Việt Namc đồng thời thể hiện thắng lợi của sức mạnh tổng hợp toàn chiến trường Đông Dương, trong đó có mối quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu, đoàn kết đặc biệt Việt-Lào”.
Về phần mình, Chủ tịch Hội hữu nghị Algeria - Việt Nam Cherfaoui Tayeb nhấn mạnh, nhờ vào chiến dịch Điện Biên Phủ mà các nước châu Phi đã tiến hành giải phóng dân tộc và giành được độc lập. Ông khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự khởi đầu cho nền độc lập của phần lớn các nước ở châu Phi, là điểm xuất phát của các phong trào giải phóng dân tộc châu Phi thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, Anh, Đức như Tunisia vào năm 1956, Algeria năm 1962… Theo Chủ tịch Hội hữu nghị Algeria - Việt Nam, Việt Nam không ngủ quên trên chiến thắng mà đang bước tiếp và đang có những phát triển ngoạn mục, quan hệ kinh tế với Mỹ và với nhiều nước trên thế giới. Chiến tranh đã kết thúc và Việt Nam đã xây dựng đời sống mới với nền kinh tế năng động.
Chia sẻ quan điểm này, Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế của Cuba (CIPI), tác giả cuốn sách “Cuba-Việt Nam: Hai dân tộc, một lịch sử” đánh giá, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thay đổi tư duy phù hợp với điều kiện mới, giải phóng lực lượng sản xuất, gạt bỏ chủ nghĩa giáo điều và đặt con người cùng mục tiêu cải thiện đời sống lên hàng đầu, Việt Nam từ một trong 15 nước nghèo nhất thế giới những năm 1980-1981 đã trở thành một trong 15 quốc gia năng động nhất hiện nay, có tốc độ tăng trưởng cao nhất và đặt mục tiêu vươn lên thành nước phát triển vào năm 2045.
Các hãng thông tấn, truyền thông, báo, tạp chí nổi tiếng quốc tế cũng vẫn tiếp tục đăng tải các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, trong đó khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, cũng như góp phần to lớn vào sự tiến bộ của nhân loại. Chiến thắng này đã chứng minh một chân lý cho các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược: với ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết chiến đấu vì chính nghĩa và một sách lược đúng đắn, một dân tộc nhỏ bé có thể chiến thắng một cường quốc.
Nguồn tin: Báo CAND: