Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết thực tế hiện nay tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỉ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc nhọn có tính sát thương cao gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí …
Bên cạnh đó là tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ diễn biến phức tạp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vũ khí quân dụng nhưng theo quy định của luật hiện hành thì súng tự chế, vũ khí thô sơ không thuộc danh mục vũ khí quân dụng.
Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ. Khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng.
Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, thực tế lực lượng vũ trang và một số lực lượng thi hành công vụ đang trang bị nhiều loại vũ khí, trong đó có vũ khí thô sơ, dao găm, lưỡi lê.... Khi các đối tượng có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại vũ khí này trái quy định thì phải xem xét, xử lý nghiêm khắc như trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Do đó, dự thảo luật bổ sung quy định các loại vũ khí thô sơ là vũ khí quân dụng là phù hợp, nhằm phòng ngừa tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người và người thi hành công vụ.
Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 Chương, 74 Điều. Nội dung dự án luật đề xuất cắt giảm nhiều thủ tục, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, vừa đơn giản hoá thủ tục hành chính; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành phiên họp thẩm tra dự án Luật Phòng không nhân dân.