Chiều 18/7, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm đã công bố Quyết định và trao Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là sự ghi nhận công lao to lớn, hoàn toàn xứng đáng với người Cộng sản kiên trung vĩ đại đến hơi thở cuối cùng. Di sản để lại của Tổng Bí thư chính là công cuộc xây dựng Đảng, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của đất nước, tạo niềm tin to lớn trong nhân dân về Đảng, về người cán bộ cách mạng Việt Nam.
Hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, các quốc gia trên khắp thế giới đều bày tỏ niềm tiếc thương cho Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo xuất chúng. Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, gửi điện văn chia buồn sâu sắc. Nội dung bức điện bày tỏ sự quý mến Tổng Bí thư đã dành cả cuộc đời để cống hiến và phục vụ Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự tôn kính, quý mến của đồng bào và có uy tín lớn lao trên trường quốc tế. Tổng thống Vladimir Putin là nguyên thủ có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới và là người được Tổng Bí thư tiếp đón, hội đàm vào tháng 6/2024, lần gần nhất sau cùng Tổng Bí thư góp phần đưa vị thế của Việt Nam xuất hiện vẻ vang trên trường quốc tế.
Trên trang web của Nhà Trắng cũng bày tỏ thông điệp thương tiếc với sự mất mát to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trước đó, dư luận thế giới chứng kiến hình ảnh hai vị nguyên thủ quốc gia cùng ở độ tuổi bát thập với mái tóc bạc trắng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng bàn bạc, hội đàm như những người bạn thân thiết. Tính ra, đến thời điểm hiện tại, hiếm có lãnh đạo của một Đảng tiếp đón 3 vị Tổng thống Mỹ là Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden. Tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã đến viếng Tổng Bí thư với tình cảm đau buồn và bày tỏ niềm tiếc thương với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Đường lối ngoại giao cây tre, một sáng kiến phù hợp với tình hình mới đã đưa Việt Nam lên một vị thế mà bất cứ một quốc gia nào cũng sẵn sàng hợp tác. Điều đó cho thấy sự đan xen trong đường lối đối nội và đối ngoại do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đưa Việt Nam vào quỹ đạo phát triển bền vững. Phẩm chất của người lãnh đạo Việt Nam trong tình hình mới, được Tổng Bí thư gạn lọc để sánh vai ngang bằng với lãnh đạo các quốc gia hùng mạnh và nhận lại được sự nể trọng. Và hơn ai hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người gương mẫu trong mọi mặt từ công việc, cuộc sống đến đến đời tư. Cả cuộc đời cách mạng đến lúc nhắm mắt xuôi tay, Tổng Bí thư vẫn đau đáu lo cho dân và ngại làm phiền đến dân.
Những ngày qua, người dân lan truyền hình ảnh chiếc xe công vụ đã cũ, chiếc áo khoác sờn đứt chỉ, ngôi nhà công vụ đơn sơ... thể hiện phẩm chất người học trò xuất sắc theo lời Bác Hồ dạy: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Người học trò cách mạng xuất sắc đó, còn để lại bức thư viết tay cho cô giáo cũ mà chẳng đề chức vụ vào, thể hiện sự khiêm cung và đạo đức sáng ngời. Dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận thức được vai trò và trách nhiệm của người học trò, người Cộng sản kiên trung trong mọi phương châm, mọi hành động.
Danh dự là điều lưu ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho các thế hệ người Cộng sản tiếp nối. Tổng Bí thư nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”. Cán bộ, đảng viên biết trọng danh dự sẽ sống có tiết chế, biết coi danh dự như mạng sống sẽ không làm điều xằng bậy, hại dân hại nước. Ngoài ra, người biết trọng danh dự sẽ không vì bất cứ điều gì lợi ích của bản thân, của gia đình mà xâm phạm lợi ích của tập thể, của cộng đồng”.
“Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” - Quan điểm đó đã được Tổng Bí thư gương mẫu thực hiện trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng. Sự nghiệp cao cả của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được hình thành từ việc trọng danh dự nên lợi ích cá nhân và vật chất để lại chẳng có gì ngoài những tư tưởng và quan điểm làm bài học cho những người Cộng sản kế cận: “Đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất!”.
Tổng Bí thư đã mang theo 2 chữ danh dự cho suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến cho dân cho nước. Vì danh dự, Tổng Bí thư đã vạch ra cho Việt Nam những cung đường tươi sáng. Tấm gương đạo đức trọng danh dự của Tổng Bí thư là một lời dặn, lời nhắc về đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện nghiêm túc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát triển thêm tư duy lý luận thông qua cụ thể hình ảnh phẩm chất của người Cộng sản trong tình hình mới. Đối mặt với cám dỗ, với suy thoái đạo đức, tự diễn biến, phải lấy danh dự làm kim chỉ nam cho hoạt động sống và làm việc, từ đó mới cống hiến hết khả năng cho sự nghiệp cách mạng, nối tiếp truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng, mẫu mực, một nhân cách lớn. Đó là minh chứng khẳng định trong mọi thời kỳ, dân tộc Việt Nam luôn xuất hiện những anh hùng, hào kiệt và những nhà lãnh đạo xuất sắc, vững vàng chèo lái đất nước trên con đường độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Nguồn tin: Báo CAND: