Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm ngăn chặn “tín dụng đen”

Thứ hai - 07/08/2023 21:53
Chiều 7/8, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức Hội thảo Ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại hội trường Bộ Công an, trực tuyến đến Công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đồng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp…

Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong ngân hàng nhằm ngăn chặn “tín dụng đen” -0
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an nêu rõ, trong thời gian vừa qua, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp, triển khai các giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng. Mới đây, ngày 24/4, hai đơn vị đã ký quy chế phối hợp trong triển khai Đề án 06 với 11 nhóm nhiệm vụ và 35 nội dung cụ thể...

Với mục đích đề ra giải pháp để công dân yếu thế được tiếp cận nhanh nguồn vốn chính thống, lãi xuất phù hợp, giảm thiểu tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Bộ Công an đã giao Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD  thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay. Đại diện Cục Cảnh sát QLHC về TTXH mong muốn thông qua hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước tập trung nghiên cứu về pháp lý, an ninh, an toàn, tài chính, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai, ứng dụng đánh giá khả tín khách hàng vay. Đặc biệt, các đại biểu đánh giá hiệu quả sử dụng dữ liệu tín dụng trong các hoạt động tài chính, ngân hàng tại Việt Nam, từ đó có cơ sở để đề xuất các cấp có thẩm quyền lựa chọn những phương án tối ưu, hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, xác định rõ vai trò của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu định hướng của Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán ứng dụng tiền mặt chuyển đổi số trong nền kinh tế. Được sự hỗ trợ của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đã làm sạch toàn bộ trên 42 triệu dữ liệu khách hàng đủ điều kiện xác thực trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là bước khởi đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp, khai thác ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng.

Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong ngân hàng nhằm ngăn chặn “tín dụng đen” -0
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo.

Trình bày báo cáo tổng thể giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, đơn vị đã phối hợp với Trường Công nghệ thông tin và truyền thông – Đại học Bách khoa Hà Nội ứng dụng dữ liệu dân cư để xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay qua trí tuệ nhân tạo, đã được nhiều nước sử dụng trong hoạt động ngân hàng và xã hội.

Hiện, đơn vị đã cơ bản hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với các trường thông tin dân cư, dữ liệu về CCCD, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú và các trường thông tin khác được làm giàu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với độ chính xác cao. Cụ thể: Công ty tài chính ngân hàng MB thử nghiệm 10.000 dữ liệu công dân; Ngân hàng Pvcombank thử nghiệm 20.000 dữ liệu công dân; Công ty Datanest thử nghiệm 60.000 dữ liệu công dân. Kết quả, giảm tỷ lệ rủi ro khi cho vay vốn và cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng từ 7- 20%. Việc triển khai giải pháp đánh giá khả tín đã khẳng định 5 giá trị đem lại là: minh bạch; văn minh; phòng, chống tội phạm; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; an sinh xã hội.

Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong ngân hàng nhằm ngăn chặn “tín dụng đen” -0
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Phùng Đức Thắng phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá khả tín khách hàng vay thông qua các chuyên đề như: Dữ liệu tín dụng và thực trạng sử dụng dữ liệu tín dụng trong hoạt động tài chính - ngân hàng tại Việt Nam; Ứng dụng mô hình đánh giá khả tín khách hàng vay trong hoạt động cấp tín dụng bán lẻ tại ngân hàng-thực trạng và đề xuất; Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay tại Ngân hàng BIDV; Thực trạng tín dụng tại Việt Nam và đánh giá ứng dụng phân tích dữ liệu giảm thiểu "tín dụng đen"…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá nội dung của hội thảo rất có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh nhu cầu của người dân tiếp cận các kênh tín dụng ngày càng đa dạng. Hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá đây là bước tiến quan trọng để thực hiện hiệu quả hơn Đề án 06, chuyển đổi số, qua đó phục vụ tốt hơn người dân trong tiếp cận những chính sách tài chính, tín dụng trong thời gian tới.

Giới thiệu sơ bộ về những kết quả của quá trình triển khai Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng ta đã ứng dụng dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên lĩnh vực bảo hiểm, y tế, thanh toán không dùng tiền mặt và hiện nay đang triển khai nhiều dịch vụ công liên thông trực tuyến…Những dịch vụ công này đã được triển khai trên môi trường điện tử, định danh công dân, tăng cường sự tin cậy của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong ngân hàng nhằm ngăn chặn “tín dụng đen” -0
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Vũ Văn Tấn phát biểu tại hội thảo.

Đề cập đến những nội dung liên quan đến những cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ, đảm bảo an ninh, an toàn, con người công nghệ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, đây là những nhóm vấn đề, nội dung rất then chốt, phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai Đề án 06, chuyển đổi số. Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, hiện các nước trên thế giới trong quá trình triển khai chuyển đổi số đều phải trải qua những nội dung này và chúng ta không nằm ngoài quy luật đó. Nhấn mạnh quyết tâm chính trị của lãnh đạo các cấp trong triển khai Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá: Quá trình thực hiện đề án đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”, không cầu toàn nhưng phải nhanh chóng, chủ động, hiệu quả, an toàn, đặc biệt là trong việc xác định những nội dung mang lại lợi ích cao nhất để nghiên cứu, sớm triển khai nhằm phục vụ nhân dân, đất nước.

Nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò và kết quả của Đề án 06 trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: Chính phủ đã chỉ đạo thúc đẩy và ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia. Tại hội thảo, ngoài những ý kiến tham luận còn có phần giải đáp, hướng dẫn ngay của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, cũng như các cục chức năng của Bộ Công an đối với các ý kiến.

Biểu dương và ghi nhận những ý kiến của các đại biểu trong hội thảo, với vai trò Tổ phó Thường trực của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định sẽ cùng với các thành viên của tổ công tác song hành, hỗ trợ tối đa các đơn vị chức năng, trong đó có ngành ngân hàng triển khai hiệu quả chuyển đổi số, phục vụ người dân, xã hội.

Tại buổi hội thảo, đồng chí Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và các cục chức năng của Bộ Công an đảm bảo kết nối dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, đảm bảo an ninh, an toàn, mang lại tiện ích nhất cho người dân, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Minh Hiền - Hoàng Phong Báo CAND

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,321
  • Tháng hiện tại245,759
  • Tổng lượt truy cập4,207,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây