Báo cáo đề dẫn tại hội nghị nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2023, kết quả chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Điển hình là đã ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy; Đề án của UBND tỉnh về Chuyển đổi số. Hạ tầng số, các nền tảng số được phát triển, triển khai ứng dụng tại tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam đã được kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, Internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 2G; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II được kết nối, liên thông đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Tỷ lệ tổ chức, cá nhân nộp thuế điện tử đạt 99,71%. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 85,1%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 75%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang đạt 80%.
Các đại biểu dự hội nghị
6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 86,6%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến đạt 86,3%. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 64,1%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 94,3%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 60%. Các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập đạt 100%, đã hoạt động tích cực ở một số địa phương, góp phần nâng cao kỹ năng số cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tỉnh phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có một số kết quả nổi bật, như: Đã tổ chức 4 lớp đào tạo trực tuyến cho 2.366 cán bộ, công chức, viên chức trên nền tảng đào tạo, giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC); đã hoàn thành việc cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện sớm nhất toàn quốc. Tham mưu ban hành Kế hoạch phối hợp về triển khai thực hiện 43 mô hình của Đề án 06. Triển khai thực hiện thí điểm 2 dịch vụ công liên thông thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí” đạt hiệu quả cao… Cấp tài khoản triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho 90% cơ sở kinh doanh lưu trú và các cơ sở giáo dục có học sinh lưu trú. Tiếp tục triển khai cấp tài khoản cho các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở giáo dục có học sinh, sinh viên lưu trú trên địa bàn tỉnh. Lắp 3 máy đọc QR trên thẻ CCCD và ứng dụng VNeID tại chùa Tam Chúc và Công an tỉnh (đã có trên 50.000 lượt check in qua các thiết bị này). Duy trì thường xuyên việc hướng dẫn công dân tố giác tội phạm và khai báo tin báo về ANTT qua ứng dụng VNeID (đạt 12% tổng số tin báo). Hà Nam là 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ tin báo qua VNeID cao nhất trong toàn quốc. 118/118 cơ sở khám chữa bệnh bằng BHYT sử dụng máy quét QR trên thẻ CCCD, ứng dụng VNeID thay BHYT làm thủ tục khám, chữa bệnh (đạt tỷ lệ 100%). 456.808 lượt người dùng CCCD đăng ký khám, chữa bệnh, trong đó có 342.180 lượt người tra cứu thành công, đạt 74,9% so với số lượt người dùng CCCD đăng ký khám, chữa bệnh.
Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam đã thông qua Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện 43 mô hình của Đề án “Phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2023” tại tỉnh Hà Nam. Các đại biểu đã tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 và thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Lê Văn Tuấn - Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Đề án 06 6 tháng đầu năm 2023
Đại tá Lê Văn Tuấn - Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh triển khai Kế hoạch phối hợp thực hiện các mô hình của Đề án 06 tại tỉnh Hà Nam
Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Hà Nam đã thông báo quyết định tặng Bằng khen cho 12 cá nhân thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp triển khai, thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trình bày kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh
Đại diện Công an xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm phát biểu ý kiến tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có giải pháp, cách làm phù hợp để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi số, Đề án 06 và hoàn thành các chỉ tiêu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giao, từ nay đến hết năm 2023. Trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, như: Triển khai áp dụng quy định mức thu phí, lệ phí khi thực hiện TTHC bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, TTHC liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy trình và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ. Tái cấu trúc quy trình các TTHC, dịch vụ công đang triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin TTHC của tỉnh. Rà soát, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu các sở, ban, ngành, địa phương theo đúng lộ trình Đề án 06; đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử. Đẩy mạnh cải cách TTHC cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Khai thác sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, các phần mềm, ứng dụng hiện có; đồng thời rà soát nâng cấp các thiết bị và triển khai các phần mềm cần thiết khác phục vụ nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại đơn vị…/.