Vụ việc cháu T.G.H (5 tuổi, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, Thái Bình) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa, đón học sinh của Trường Mầm non Hồng Nhung 2 giữa trời nắng nóng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Chiều 30/5, bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đã bày tỏ sự thương xót đối với cháu bé, lên án sự tắc trách của người có trách nhiệm, đồng thời bày tỏ hy vọng khi Luật TTATGT đường bộ có hiệu lực sẽ ngăn chặn, phòng ngừa các vụ tương tự có thể xảy ra.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, các quy định đặt ra trong Luật TTATGT đường bộ là để đáp ứng với thực tiễn. Thực tiễn đặt ra vấn đề mà pháp luật phải quy định tương thích. Trên thực tế đã có không ít vụ bỏ quên trẻ em là học sinh trên xe đưa, đón của nhà trường, nhiều vụ đã xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chính vì vậy, cần phải quy định việc đưa đón học sinh đến trường bằng các chế định trong các đạo luật phù hợp. Việc đưa quy định về bảo đảm TTATGT đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non tại Điều 46 Luật TTATGT đường bộ là phù hợp với đối tượng điều chỉnh. Hy vọng sau khi đạo luật này có hiệu lực sẽ có công cụ pháp lý giúp các lực lượng chức năng có căn cứ để xử lý hành vi vi phạm hiệu quả.
“Việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cô giáo để xác định hành vi vi phạm, đánh giá lỗi là khách quan, cần thiết, vì trong khoa học hình sự, yếu tố lỗi là quan trọng nhất, trong đó có lỗi cố ý và lỗi vô ý. Dù vô ý hay cố ý nhưng khi xem xét hậu quả gây ra hay khách thể bị xâm hại thì luật vẫn quy định truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất nhiên lỗi là yếu tố quan trọng để xác định mức độ, hậu quả để áp dụng chế tài xử lý” – đại biểu Lê Thanh Vân nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) nhận định đang có một khoảng trống pháp lý liên quan tới quản lý về xe đưa đón học sinh. "Các cơ quan Nhà nước đã nhận thấy việc này và đang nỗ lực để thắt chặt lỗ hổng" – đại biểu nói và kỳ vọng dự án Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ đang được Quốc hội xem xét sẽ quy định chặt chẽ về quản lý xe đưa đón học sinh phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) nhấn mạnh trách nhiệm để xảy ra vụ việc đau lòng này là của người lớn, cụ thể là của giáo viên và người phụ trách đưa đón học sinh. Đại biểu nhìn nhận do chúng ta còn "dễ dãi" trong lựa chọn người đảm trách nhiệm vụ đưa đón trẻ, chế tài xử lý không đủ nghiêm khắc, răn đe nên tới đây cần bổ sung quy định về những nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, sự tắc trách, vô trách nhiệm của người lớn là một tội ác, khiến đứa trẻ 5 tuổi tử vong, đồng thời cho rằng, đây là một hồi chuông cảnh báo về nêu cao trách nhiệm trong công việc. Đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chỉ đạo quyết liệt liên quan vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cũng cho rằng trách nhiệm trước hết là của người đưa đón, nói cách khác là nhà trường. Nữ đại biểu đề nghị cần phải có sự thay đổi về thiết kế xe chở trẻ em theo hướng chuyên biệt như quy định trong dự thảo Luật TTATGT đường bộ, khác với xe chở khách. “Làm thế nào để trong trường hợp bất khả kháng hoặc có tình huống xảy ra, người bên ngoài vẫn nhìn thấy người mắc kẹt bên trong” – đại biểu nêu.
Tác giả: BÁO CAND
Nguồn tin: Báo CAND:
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...