Lợi nhuận từ khai thác cát trái phép mang lại rất lớn trong khi nguồn cung hạn chế, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội cũng như đối phó với lực lượng chức năng.
“Cá mập” An Giang sa lưới
Cuối tháng 7/2023, thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án triệt phá tổ chức khai thác cát trái phép tại An Giang, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đồng loạt khám xét khẩn cấp 22 địa điểm tại An Giang và 8 tỉnh, thành phố khác. Cơ quan điều tra thu giữ trên 14 tỷ đồng, 20.000 USD tiền mặt, 15 xáng cạp (sà lan có gầu ngoạm để khai thác cát trên sông), 31 sà lan, cùng các tang vật, tài liệu có liên quan. Cơ quan Công an đã triệu tập trên 100 đối tượng có liên quan và bước đầu điều tra xác minh, Công ty Trung Hậu - Tổng 68 do Lê Quang Bình làm Tổng giám đốc, lợi dụng giấy phép khai thác do UBND tỉnh An Giang cấp để khai thác hơn 1,5 triệu m3 cát cung cấp cho các công trình xây dựng.
Từ thời điểm được cấp phép vào cuối năm 2021 cho đến khi hành vi phạm tội được phát hiện, Lê Quang Bình đã chỉ đạo các nhân viên thực hiện khai thác vượt trữ lượng gấp nhiều lần được cấp phép và bán cát trái phép ra ngoài không đưa vào các công trình, dự án được nhà nước cấp phép, không đúng với chủ trương của Chính phủ để hưởng lợi số tiền trên 250 tỷ đồng. Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lợi bất chính, Lê Quang Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do mình thành lập, quản lý mua hóa đơn đầu vào khống, hợp thức hóa nguồn gốc cát và hối lộ cho một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn ở An Giang. Căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 18 bị can (trong đó, có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) về các hành vi: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa và nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Mua bán trái phép hóa đơn.
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Quốc Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Văn Anh điều tra về tội “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”. Đây là công ty móc nối khai thác cát trái phép với Công ty Trung Hậu - Tổng 68. Theo nguồn tin của phóng viên, kết quả điều tra ban đầu, quá trình khai thác, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu câu kết với các đối tượng có phương tiện (thực chất là bán quyền khai thác), huy động tối đa phương tiện khai thác, thời gian khai thác, khai thác triệt để nguồn tài nguyên, vượt sản lượng được cấp phép để bán ra ngoài thị trường.
Ngoài Lê Quang Bình, một “cá mập” khác ở An Giang là Ngô Phú Cường (thường gọi là Cường “Cát”) vừa bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 3 năm tù về tội “Rửa tiền” cùng số tiền 4,5 tỷ đồng về tội “Trốn thuế”, truy thu hơn 8,2 tỷ đồng sung vào ngân sách. Từ năm 2010 đến 2017, Cường đã thành lập và trực tiếp điều hành hoạt động 4 công ty (Công ty TNHH Phú Cường, Công ty TNHH MTV Cường Cát, Công ty TNHH MTV Sông Thoại, Công ty TNHH MTV Ngô Phú Cường) và Chi nhánh Công ty TNHH MTV Ngô Phú Cường để mua bán cát. Cường mua cát trôi nổi không rõ nguồn gốc tại An Giang và tỉnh Đồng Tháp, rồi bán lại cho các công ty, doanh nghiệp có trụ sở trong tỉnh An Giang và các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ. Việc thanh toán tiền mua bán cát với tổng doanh thu trên 84,2 tỷ đồng. Các giao dịch bán cát không được Cường xuất hóa đơn, kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra làm giảm số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 8,4 tỷ đồng…
Bất chấp pháp luật, đe doạ và hành hung phóng viên
Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh hoạt động khai thác cát hợp pháp, tình trạng khai thác cát trái phép, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc tại các tỉnh, thành ĐBSCL diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, là tuyến sông Tiền từ khu vực cầu Mỹ Thuận về phía huyện Cái Bè, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) khu vực giáp ranh với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Đồng Tháp; khu vực Cửa Tiểu thuộc địa phận giáp ranh với huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang); khu vực Cửa Đại thuộc địa bàn giáp ranh huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) và huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre).
Đầu tháng 3/2024, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động bắt giữ 16 phương tiện đang hoạt động khai thác cát trái phép, vận chuyển cát trái phép trên sông Tiền đoạn qua huyện Cái Bè, khu vực giáp ranh với tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre.
Hai tháng sau, vào tối 3/5, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) tiến hành tuần tra mật phục trên tuyến sông Tiền đoạn qua xã Hòa Hưng, cách cầu Mỹ Thuận khoảng 2km đã phát hiện ghe gỗ có lắp đặt hệ thống máy hút đang khai thác cát trái phép từ lòng sông lên sà lan (không biển kiểm soát) đang neo đậu cạnh bên. Trên ghe gỗ có 4 đối tượng, gồm: Nguyễn Văn Sáng (SN 1994), Nguyễn Văn Thiện (SN 1975), Trần Minh Tây (SN 1991) và Nguyễn Xuân Lãm (SN 1989, cùng ngụ tỉnh Đồng Nai). Còn trên sà lan có đối tượng Lưu Trung Hiếu (SN 1988) và Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 2002, cùng ngụ tỉnh Tiền Giang). Thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tổ công tác tiến hành đo đạc, trên sà lan chứa hơn 37m3 cát. Các đối tượng thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép.
Theo Công an huyện Cái Bè, trước khi tiến hành khai thác cát trái phép, các đối tượng điều khiển 2 phương tiện lưu thông trên sông Tiền, trong đó ghe gỗ lắp đặt hệ thống máy hút với 2 vòi hút. Các đối tượng phân công 2 “người nhái” đeo mặt nạ, ngậm ống thở oxy rồi ôm theo vòi hút từ ghe gỗ bắt đầu lặn xuống đáy sông Tiền để dò tìm nguồn cát. Phía trên ghe gỗ, cát đối tượng cho hệ thống máy hút hoạt động, hút cát trái phép để bơm chuyền sang sà lan đang neo đậu bên cạnh chờ cho đến khi “no hàng”. Đây là thủ đoạn mới và khá tinh vi do nhóm đối tượng đến từ Đồng Nai câu kết với nhóm ở Tiền Giang thực hiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền.
Mới đây, tối 29/4, một nhóm phóng viên tiếp cận khu vực nghi vấn đang hoạt động khai thác cát trái phép nằm cạnh sông Hậu thuộc Cồn Long Giang (xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), đã bị nhóm người lạ mặt hành hung. Theo trình bày của phóng viên với Cơ quan CSĐT Công an TP Long Xuyên, ban đầu chỉ 2 - 3 đối tượng, sau đó xuất hiện gần chục đối tượng. Các đối tượng liên tục đe dọa, gây áp lực và yêu cầu phóng viên xóa hết các hình ảnh, clip đã ghi nhận. Chúng xông đến thu giữ điện thoại, chìa khóa xe nhằm ngăn cản việc phóng viên liên hệ với cơ quan Công an cũng như gọi người hỗ trợ. Sau đó, các đối tượng liên tục dọa giết, tấn công lên vùng đầu, ngực, bụng... gây xây xát và làm vỡ mắt kính . Việc đe dọa, hành hung chỉ dừng lại khi cán bộ Công an xã Mỹ Hòa Hưng có mặt tại hiện trường, các đối tượng bỏ lại điện thoại, chìa khóa xe của phóng viên rồi lên phương tiện rời đi trong đêm. Công an xã Mỹ Hòa Hưng đã lập biên bản và chuyển vụ việc đến Cơ quan CSĐT Công an TP Long Xuyên điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Phóng viên Báo CAND ghi nhận tại khu vực nghi vấn có hoạt động khai thác cát trái phép là 4 ao nuôi cá có tổng diện tích khoảng 25.410m2 (thuộc ấp Long Hoà, xã Long Giang) của ông Trần Chí Thiện (ngụ TP Long Xuyên). Ông Thiện đã hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng đất (vùng nuôi) lại cho Lê Thanh Tùng (SN 1974, ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) tổng diện tích 46.811m2, với số tiền trên 10,7 tỷ đồng. Dư luận tại địa phương cho rằng, với 4 ao nuôi không còn phù hợp cho việc nuôi cá thì giá trị sang nhượng trên 10 tỷ đồng là quá cao. Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng việc nạo vét, cải tạo vùng nuôi để hút cát trái phép, thu lợi bất chính.
Thượng tá Lý Hồng Lê, Phó trưởng Công an huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) cho biết, Công an huyện đã phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, kiểm tra tính pháp lý về đất đai môi trường… đối với các cá nhân, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mời những người đứng tên quyền sử dụng đất (chủ ao, hầm) cho làm cam kết không được hút cát trong ao, hầm bán cho sà lan; buộc tháo dỡ các máy móc, phương tiện để hút cát, bùn trong ao, hầm. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý các hành vi khai thác cát trái phép./.
Tác giả: BÁO CAND
Nguồn tin: Báo CAND: