Xe đưa đón học sinh hiện nay có hai loại hình phổ biến, một là xe nhà trường tự đầu tư, hai là xe nhà trường ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải đưa đón học sinh. Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa quy định tiêu chuẩn riêng cho xe đưa đón học sinh mà xem như xe hợp đồng kinh doanh vận tải.
Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô và Thông tư 12/2020 của Bộ Giao thông Vận tải quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát đảm bảo không còn hành khách trên xe; xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông. Tài xế phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách trên xe trước khi rời khỏi xe.
Do luật và văn bản dưới luật chưa quy định cụ thể, nhiều trường tự ra tiêu chuẩn, xây dựng quy trình đưa đón riêng nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Quản lý hơn 100 xe từ 16 tới 45 chỗ, phục vụ khoảng 4.000 học sinh của ba cơ sở của trường Marie Curie, Hà Nội, ông Lê Văn Cảnh cho biết trường ký hợp đồng với một số đơn vị vận tải. Những đơn vị này cung cấp xe, tài xế và người phụ trách đi theo xe của học sinh tiểu học, còn quy trình đón, trả do trường xây dựng.
Đầu buổi sáng, giáo viên phụ trách xe sẽ lập danh sách học sinh có mặt, sau đó báo về văn phòng trường. Nhân viên văn phòng sẽ đối chiếu số học sinh đi xe với những em xin nghỉ của từng lớp, nếu không khớp sẽ báo lại giáo viên chủ nhiệm và người phụ trách xe. Bước này lặp lại khi học sinh lên xe về nhà.
Với phương tiện, ông Cảnh cho biết các xe được lắp chuông ở đằng sau, nó sẽ kêu khi lái xe tắt máy. Để tắt chuông, tài xế phải đi tới cuối xe, coi như một lần quan sát xem học sinh có để quên đồ, hoặc em nào chưa xuống hay không. "Áp dụng công nghệ này kia, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là ý thức con người. Thầy cô, tài xế phải có tâm, không được làm tắt quy trình", ông Cảnh nói.
Đầu mỗi năm học, trường Marie Curie tổ chức tập huấn quy trình đưa đón cho tài xế và giáo viên, người phụ trách xe. Học sinh được học cách thoát hiểm, phát tín hiệu nếu không may bị kẹt trong xe thông qua việc sử dụng búa (với khối lớp lớn), hoặc bật đèn, bấm còi (thường áp dụng cho học sinh tiểu học).
Theo ông Cảnh, khó nhất trong vận hành dịch vụ đưa đón là các trường phải phụ thuộc nhiều bên. Hiếm có trường nào mua 100 xe đủ loại nên thường ký hợp đồng với các công ty vận tải. Khi đó trường khó kiểm soát việc những công ty này sử dụng xe trong giờ nghỉ. "Nhiều nơi họ đưa học sinh đi mà chỉ muốn nhanh chóng lấy xe làm việc khác. Khi đó, chất lượng xe dễ bị ảnh hưởng, tài xế hay người phụ trách dễ bỏ qua các bước kiểm tra xe", ông nói.
Xe đưa đón học sinh do AI tạo. Ảnh: Canva
Bổ sung dịch vụ đưa đón học sinh vào luật
Dự thảo Luật Đường bộ (dự kiến thông qua tại kỳ họp 7) dành Điều 70 quy định hoạt động vận tải đưa đón trẻ em, học sinh bằng ôtô do cơ sở giáo dục tự tổ chức, hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện. Nếu cơ sở giáo dục tự tổ chức đưa đón học sinh phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ; đơn vị kinh doanh vận tải phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Cùng với đó, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự kiến thông qua tại kỳ họp 7) cũng dành một điều về ôtô chở học sinh, trẻ mầm non. Điều 46 quy định ôtô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu sau: Xe có đăng ký, đăng kiểm và phải gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh của lái xe.
Xe chở học sinh có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Xe chở học sinh tiểu học hoặc trẻ mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi, hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định. Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non, xe phải có tối thiểu một người quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho các em trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý. Không được để học sinh tiểu học, trẻ mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.
Lái xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách. Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón. Xe chở học sinh được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình.
Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo
Ngoài hai dự luật trên, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô, trong đó có xe chở học sinh. Cụ thể xe chở học sinh phải sơn màu vàng đậm, mặt sau phải có thiết bị cảnh báo hoặc biển cảnh báo phương tiện khác không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh.
Xe chở học sinh mẫu giáo, tiểu học phải có thêm tối thiểu một chỗ ngồi cho người quản lý; xe chở từ 29 học sinh mẫu giáo, tiểu học trở lên phải có thêm 2 chỗ ngồi cho người quản lý. Xe chở học sinh mẫu giáo không vượt quá 45 ghế; xe chở học sinh tiểu học, trung học cơ sở không quá 56 người.
Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu và hệ thống camera bên trong để giám sát hành vi của lái xe, người quản lý học sinh và toàn bộ học sinh trên xe. Camera bên ngoài để giám sát tình trạng giao thông phía ngoài cửa lên xuống.
Xe phải có đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi cửa lên xuống mở để đón, trả học sinh. Camera phải có hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin. Đặc biệt, xe phải được trang bị hệ thống cảnh báo tự động bằng còi báo động, âm thanh khẩn cấp trực tiếp đến lái xe, người quản lý, học sinh có thể sử dụng khi cần cảnh báo. Thiết bị cảnh báo được lắp phía người lái.
Theo ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị chủ trì soạn thảo quy chuẩn, Cục còn có ý tưởng yêu cầu xe có hai cửa lên xuống thì cửa thứ hai phải đóng bằng cơ học để người lái xe đi xuống đóng cửa trước khi rời khỏi xe và có thể quan sát học sinh. Ngoài ra, các xe có thể áp dụng camera AI để nhận diện học sinh, nếu thiếu học sinh rời xe thì thiết bị sẽ cảnh báo.
Ông An cho rằng màu vàng là sơn nguyên bản của nhiều xe học sinh nhập khẩu nước ngoài nên sẽ không phải sơn lại, nếu xe lắp đặt trong nước thực hiện sơn mới chi phí thấp. Thiết bị cảnh báo dạng còi khẩn cấp cũng có chi phí không lớn, doanh nghiệp dễ dàng lắp đặt.
Trước đó sáng 29/5, bé Trần Gia Huy, 5 tuổi được đón lên xe 29 chỗ để tới trường Mầm non Hồng Nhung ở khu tái định cư xã Phú Xuân, TP Thái Bình. Huy ngồi ngay sau ghế lái, nhưng đã bị bỏ quên. Chiều cùng ngày, từ trình báo của gia đình, nhà trường mới phát hiện, đưa đi cấp cứu, nhưng bé đã tử vong trước khi tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam tài xế Nguyễn Văn Lâm, nhân viên đưa đón Phương Quỳnh Anh vì tội Vô ý làm chết người. Hai cô giáo đứng lớp bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú, điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tác giả: VNEXPRESS.NET
Nguồn tin: Báo VNEXPRESS:
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...