Cuộc chiến nguy hiểm
Tỉnh Vĩnh Long có địa bàn rộng, sông nước chằng chịt, nhiều ngã rẽ và nhiều tuyến sông là địa bàn ranh giới tự nhiên với các tỉnh trong khu vực. Lợi dụng điều này, các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Tuyến sông Hậu đoạn qua huyện Trà Ôn có nhiều mỏ cát, nhiều đối tượng lợi dụng thời điểm đêm tối để khai thác cát trái phép.
Điển hình, khuya 23/11/2023, Tổ tuần tra Công an huyện Trà Ôn do Đại úy Trần Hoàng Ngôi làm Tổ trưởng, đã phát hiện ghe gỗ không số hiệu có 2 đối tượng (sau này xác định là Cao Văn Huyền, SN 1976, ngụ thị xã Bình Minh và Nguyễn Đăng Khoa, SN 2002, ngụ tỉnh Đồng Tháp, tạm trú tại Vĩnh Long) đang khai thác cát trái phép tuyến sông Hậu. Tổ tuần tra ra hiệu lệnh dừng phương tiện và dùng súng bắn chỉ thiên nhưng các đối tượng ngoan cố không chấp hành, điều khiển phương tiện tăng ga bỏ chạy. Ghe của các đối tượng đã va chạm vào tàu của Tổ tuần tra, khiến 4 cán bộ rơi xuống sông. Đại úy Trần Hoàng Ngôi bị cuốn vào chân vịt của ghe khai thác cát lậu, khiến 2 chân bị đứt lìa. Do vết thương 2 chân của đồng chí rất nặng, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ ½ đùi phải và cắt bỏ trên gối chân trái. Ngoài việc xử lý hành vi khai thác khoáng sản (cát sông) trái phép, Công an huyện Trà Ôn đang tiếp tục xem xét dấu hiệu chống người thi hành công vụ đối với 2 đối tượng Huyền và Khoa.
Trung tá Phan Thanh Nhàn, Phó Đội trưởng, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Long phân tích: Các đối tượng lợi dụng điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp để khai thác cát sông trái phép và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Ngoài ra, chúng còn cố tình cung cấp thông tin không chính xác, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi bị phát hiện, xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi hơn, thay đổi quy luật hoạt động, lợi dụng địa giới hành chính, cử người cảnh giới, khai thác vào ban đêm. Chúng thuê người cảnh giới nắm các hoạt động của lực lượng chức năng và thông tin cho nhau khi có lực lượng kiểm tra, để nhằm bỏ trốn và thậm chí chống lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Theo đánh giá của Cục CSGT (Bộ Công an), công tác phòng ngừa, đấu tranh chống khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép tại khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập, khó khăn, trong đó có việc kiểm soát các phương tiện có gắn thiết bị bơm hút cát trên sông. Các đối tượng chuyển sang sử dụng phương tiện thủy không có đăng ký, đăng kiểm, có gắn các thiết bị bơm hút cát trọng tải nhỏ chỉ từ 15-30 m3 nhưng với số lượng nhiều, dễ dàng tháo chạy hoặc bỏ lại nếu bị kiểm tra. Khu vực ĐBSCL có khoảng 200 phương tiện nghi vấn khai thác cát trái phép đã được lực lượng chức năng lên danh sách.
Những tháng đầu năm 2024, Cảnh sát đường thủy các đơn vị, địa phương trực tiếp phát hiện, phối hợp bắt giữ 81 vụ, 190 đối tượng, 119 phương tiện khai thác cát sỏi trái phép; 7 vụ, 15 đối tượng, 7 phương tiện khai thác, nạo vét bùn đất trái phép; 91 vụ, 118 đối tượng, 97 phương tiện vận chuyển cát, khoáng sản trái phép… Riêng đối với các phương tiện có gắn thiết bị bơm hút, tại khu vực ĐBSCL, Cảnh sát đường thủy đã kiểm tra, xử phạt 39 trường hợp vi phạm.
Tối 19/5, Trạm Cảnh sát đường thủy Sa Đéc thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp tuần tra trên tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc thuộc thủy phận thị trấn Cái Tàu Hạ (huyện Châu Thành) đã phát hiện, bắt giữ phương tiện số đăng ký VL-15519 (trọng tải 185 tấn, công suất 254CV) do Thuyền trưởng Phạm Văn Hồng (SN 1964) điều khiển và cùng đi trên phương tiện còn có Ngô Văn Nhựt (SN 1974, cùng ngụ tỉnh Vĩnh Long). Tổ công tác kiểm tra trên phương tiện đang chở khoảng 90m3 cát bùn. Ông Hồng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc số lượng cát bùn trên nên Tổ công tác đã lập biên bản, bàn giao tang vật, phương tiện cho Công an huyện Châu Thành tiếp tục xác minh.
Đại tá Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua công tác tuần tra trên sông, từ đầu năm 2023 đến nay đã phát hiện, bắt giữ 34 vụ, 67 đối tượng vận chuyển, khai thác cát trái phép. Điển hình, hồi đầu tháng 1/2024, trong cùng một ngày, Trạm Cảnh sát đường thủy Sa Đéc đã phát hiện, bắt giữ 5 sà lan, 11 đối tượng vận chuyển 355m3 cát sông đang lưu thông trên các tuyến sông qua địa bàn huyện Cao Lãnh. Thời điểm kiểm tra, các đối tượng đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc cát. Qua làm việc, các đối tượng thừa nhận số cát trên được vận chuyển từ tỉnh Vĩnh Long đến Đồng Tháp tiêu thụ.
Bất chấp vì lợi nhuận
Chiều dài các tuyến sông qua địa phận tỉnh Tiền Giang dài khoảng 120km, với tuyến đường thủy dài nên các đối tượng dùng nhiều phương thức thủ đoạn để khai thác cát trái phép. Hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là khu vực cách cầu Mỹ Thuận khoảng 1km về phía hạ nguồn, vàm Cái Thia (thuộc huyện Cái Bè); khu vực cồn Thới Sơn (TP Mỹ Tho) đoạn giáp xã Song Thuận (huyện Châu Thành); đoạn từ phà Rạch Vách đến cống Vàm Giồng, phà Tân Long giáp ranh giữa huyện Gò Công Tây với Gò Công Đông… Qua thống kê, trên địa bàn có 147 phương tiện có gắn thiết bị bơm, hút cát. Trong đó 85 phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, còn lại 62 phương tiện không đăng ký, đăng kiểm. Công an tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và cơ quan đăng kiểm phương tiện thủy nội địa để thống kê số lượng phương tiện đăng kiểm, đăng ký và rà soát số lượng phương tiện chưa đăng ký, tập trung vào các phương tiện hoán cải có lắp đặt thiết bị bơm hút để tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý buộc phải tháo dỡ theo quy định. Đồng thời, lên danh sách, rà soát các đối tượng nghi vấn có biểu hiện hoạt động khai thác cát trái phép để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.
Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, nguyên nhân chính là lợi nhuận rất lớn từ hoạt động khai thác cát trái phép nên các đối tượng bất chấp quy định pháp luật để hoạt động. Các đối tượng khai thác cát trái phép sử dụng đủ các chiêu trò để đối phó với lực lượng chức năng, thậm chí là thuê người đứng cảnh giới trước các trụ sở của Công an. Khi có thông tin lực lượng tuần tra, các đối tượng thông báo cho nhau để biết và bỏ trốn, tạm ngừng các hoạt động khai thác cát trái phép. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh Tiền Giang, Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với hoạt động khai thác cát sông trái phép, vận chuyển, tàng trữ cát sông không rõ nguồn gốc.
Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, số vụ được phát hiện và xử lý tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước đây. Tính riêng trong năm 2023, Công an toàn tỉnh Tiền Giang đã bắt, xử lý vi phạm hành chính 205 vụ/284 đối tượng (trong đó vi phạm khai thác cát trái phép là 61vụ/126 đối tượng; vi phạm vận chuyển, mua bán, tàng trữ khoáng sản trái phép là 144 vụ/158 đối tượng), tăng 106 vụ so với năm 2022. Cơ quan điều tra đã khởi tố 7 vụ/9 bị can về hành vi vi phạm các vi định về khai thác tài nguyên. Còn những tháng đầu năm 2024, Công an toàn tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, xử lý 93 vụ/150 đối tượng, trong đó 31 vụ/64 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, còn lại là vận chuyển cát sông không rõ nguồn gốc. Cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng.
Đáng chú ý, việc lợi dụng hoạt động nạo nét luồng đường thủy hoặc giấy phép khai thác khoáng sản của một số tổ chức được UBND cấp tỉnh cấp phép, đối tượng đã khai thác ngoài phạm vi, không đúng thiết kế, khai thác vượt trữ lượng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc khai thác lấn địa giới hành chính giữa các tỉnh lân cận. Năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh phía Nam cung cấp cho Dự án giao thông quan trọng quốc gia. Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn khai thác 12 giấy phép (với diện tích hơn 753ha, trữ lượng hơn 25 triệu m3) hết hạn sau ngày 1/7/2011 (Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành) là không đúng quy định. UBND tỉnh Đồng Tháp cấp mới 7 giấy phép khai thác cát (với diện tích hơn 273ha, trữ lượng hơn 14 triệu m3 qua hình thức lựa chọn) thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng chỉ xác định ưu tiên cung ứng cát cho công trình trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình sử dụng vốn đầu tư công theo đề nghị của cơ quan chức năng, dẫn đến đơn vị khai thác cát cung cấp cát ra thị trường là chưa đúng quy định.
Năm 2023, Công an các tỉnh, thành ĐBSCL đã phát hiện 1.246 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản, khởi tố 30 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 103 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2024, Công an các tỉnh, thành ĐBSCL phát hiện 1.390/1.767 đối tượng, 24 tổ chức; đã khởi tố 6 vụ/26 bị can, xử phạt hành chính số tiền hơn 22,5 tỷ đồng.
Tác giả: BÁO CAND
Nguồn tin: cand.com.vn: