Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, góp phần để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, bảo đảm ANTT. Lực lượng Công an, nhất là cán bộ, chiến sĩ phụ trách địa bàn xã, phường, thị trấn cần phát huy mạnh mẽ vai trò tham gia của người dân, mở rộng và bảo đảm dân chủ góp phần thực hiện thắng lợi công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở.
Bắt đầu từ 1/7/2024, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ chính thức có hiệu lực. Những người dân đã âm thầm gắn bó nhiều năm, thậm chí gần như cả cuộc đời với nhiệm vụ tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ được hưởng những chế độ, chính sách tương xứng và các điều kiện để hoạt động hiệu quả hơn, góp phần cùng lực lượng Công an giữ vững bình yên từng địa bàn, từ sớm, từ xa.
Nằm cách trung tâm huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk chưa đầy 10km, xã Ea Tul có 11 thôn, buôn, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 97% dân số. Địa bàn rộng, đa thành phần dân tộc, tôn giáo cư trú nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Để đảm bảo ANTT trên địa bàn, thời gian qua, UBND xã thường xuyên duy trì hoạt động của lực lượng Dân phòng và Công an viên bán chuyên trách ở các thôn, buôn.
Trao đổi về vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, ông Y Tiếp Niê Kễn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Tul đánh giá, đây được xem là “cánh tay nối dài” trợ giúp đắc lực cho cấp ủy, chính quyền và Công an xã chính quy thực hiện các chủ trương, kế hoạch và biện pháp phòng cháy chữa cháy, bảo đảm ANTT, xây dựng và củng cố phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở.
“Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình hoạt động, giữa lực lượng Dân phòng và Công an viên thôn, buôn vẫn có sự chồng chéo, chưa thống nhất về chức năng, nhiệm vụ. Chưa kể do phụ cấp thấp, lại không được trang bị công cụ hỗ trợ... nên quá trình hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế”, ông Y Tiếp Niê Kễn nêu.
Còn với xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư Mgar, những năm trước, mỗi thôn, buôn đều có một tổ an ninh tự quản từ 5 đến 6 thành viên dân phòng và có ít nhất một Công an viên phụ trách. Đây được xem là “tai mắt” của buôn làng, lực lượng nòng cốt bảo đảm ANTT ở cơ sở. Họ là lực lượng tại chỗ được nhân dân bầu ra, rất thông thuộc địa bàn, hiểu rõ phong tục, tập quán, cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Họ cũng là người giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm “nóng”, phức tạp về ANTT. Thế nhưng, từ năm 2021, xã không bố trí được kinh phí hỗ trợ cho thành viên dân phòng nên đã giải thể các tổ an ninh tự quản thôn, buôn.
Theo Thiếu tá Nguyễn Thế Dương, Trưởng Công an xã Cư Dliê Mnông, từ khi giải thể các tổ an ninh tự quản đã gây nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm ANTT địa phương. Bởi lực lượng Công an xã chính quy khá mỏng, đa số lại từ địa phương khác đến, ngoài nhiệm vụ bảo đảm ANTT còn phải thực hiện công tác hành chính khác, nên khó nắm sâu sát cơ sở.
“Điển hình như tại buôn Blă trước đây có tổ an ninh tự quản, họ thường xuyên tuần tra bất kể đêm ngày, kiểm soát tình hình ANTT trong buôn, nên bà con khá yên tâm lao động sản xuất. Mỗi khi trong buôn xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, các thành viên của tổ đều đến hòa giải, xử lý kịp thời. Nay tổ tự quản của buôn không hoạt động nữa, tình hình trộm cắp vặt lại nổi lên nhiều, chỉ có một Công an viên bán chuyên trách bám buôn thì khó mà kiểm soát hết được. Việc ra đời Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là điều cần thiết để củng cố lại lực lượng này ở địa phương nhằm phát huy hiệu quả tốt hơn”, Thiếu tá Dương chia sẻ.
Nằm nép mình dưới chân núi Langbiang, dọc tuyến đường dẫn vào tổ dân phố Bnơ A, thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng là con đường được trải nhựa thẳng tít tắp, hai bên là những căn biệt thự khang trang, nối tiếp nhau mọc lên. Ít ai có thể ngờ được rằng, nơi đây có tới 70% là người đồng bào dân tộc thiểu số Kơ Ho sinh sống.
Ghé thăm nhà ông Bon Đing Tuấn (SN 1963, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố Bnơ) khi ông đang loay hoay chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT buổi tối. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tuấn cho biết, những năm trước, khác với nhiều khu vực khác, nơi bà con dân tộc thiểu số sinh sống vốn nhận thức còn hạn chế, chưa biết cách áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thì đồng bào ở Bnơ A lại là những người tiên phong.
Ông kể, khi một số doanh nghiệp, gia đình người Kinh tới địa phương sinh sống, kinh doanh, sản xuất đã sớm ứng dụng công nghệ cao vào làm nông nghiệp. Thấy hiệu quả kinh tế rõ ràng, chất lượng sản phẩm được nâng cao, các gia đình đồng bào thiểu số ở địa phương cũng không chịu thua kém. Đất đai sẵn có lại ham học hỏi, chịu khó làm ăn, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng với kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian làm công cho các doanh nghiệp, nhiều gia đình người Kơ Ho ở Bnơ A đã mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, trồng dâu tây, làm dịch vụ du lịch…
“Đất lành chim đậu”, sự cất cách của Bnơ A cũng đã làm nhiều người từ các địa phương khác về đây trú ngụ, làm công cho các gia đình ở địa phương. Sự phát triển kinh tế cũng nảy sinh ra không ít vấn đề về xã hội. Để giữ vững ANTT, bảo vệ cuộc sống bình yên cho bà con dưới chân núi Langbiang, Công an thị trấn Lạc Dương đã thành lập Tổ bảo vệ dân phố Bnơ A. Tổ bảo vệ dân phố trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chịu sự quản lý trực tiếp của Công an thị trấn Lạc Dương. Nhiều năm qua, các thành viên trong Tổ bảo vệ dân phố đã phối hợp chặt chẽ với Công an thị trấn tăng cường tuần tra kiểm soát, quản lý địa bàn trách nhiệm, nhiệt tình vì thế mà Bnơ A không để xảy ra vụ việc nào liên quan tới ANTT gây hậu quả nghiêm trọng.
“Hằng đêm, tổ bảo vệ dân phố chúng tôi đều tổ chức đi tuần tra nhằm răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trộm cắp, thanh, thiếu niên tụ tập ăn nhậu, đi xe nẹt pô gây mất ANTT… Nhờ làm tốt công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở mà nhiều năm qua, tổ dân phố Bnơ A không xảy ra vụ án hình sự nào”, ông Tuấn tự hào nói.
Trung tá Cil Độ, cán bộ Công an thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương cho biết, nhờ xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc, phát huy có hiệu quả sức mạnh của nhân dân, nhất là lực lượng bảo vệ tổ dân phố mà nhiều năm qua, những thành phần cộm cán, các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật đã “không còn đất sống” ở Bnơ A. Tổ dân phố trở thành địa bàn sạch, không có người vi phạm pháp luật hình sự. “Không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, tổ bảo vệ dân phố Bnơ A do anh Bon Đing Tuấn làm tổ trưởng còn nhiệt tình tham gia các hoạt động do Công an và chính quyền phát động. Các anh thường xuyên tổ chức tập huấn, sẵn sàng tham gia chữa cháy hoặc cứu nạn, cứu hộ tại chỗ có hiệu quả!..”, Trung tá Cil Độ cho biết thêm.
Tác giả: BÁO CAND
Nguồn tin: Báo CAND:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Mã bảo mật