Thời gian gần đây, xuất hiện các cuộc gọi, tin nhắn, thư điện tử lừa đảo, giả mạo với mục đích chiếm đoạt tài sản, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi trong đó phổ biến như:
Giả mạo tài khoản Facebook, Zalo, hộp thư điện tử của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở địa phương bằng cách thiết lập tài khoản Facebook, Zalo, hộp thư điện tử với tên tương tự, hình ảnh đại diện là hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kết bạn với cán bộ, nhân viên cấp dưới sau đó mạo danh chỉ đạo chuyển tiền phục vụ công việc cơ quan hoặc vay mượn xử lý công việc cá nhân gấp để chiếm đoạt.
Giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ việc nghiêm trọng như mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia; giả danh nhân viên bưu điện thông báo nhận bưu phẩm, nhân viên viễn thông thông báo nợ cước, nhân viên điện lực thông báo nợ tiền điện... Khi nạn nhân trả lời mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo yêu cầu của các đối tượng.
Giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu cầu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa. Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản.
Giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email... mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Các đối tượng thường tiếp cận với nạn nhân bằng cách gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Sau đó hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng; gửi các văn bản giả "xác nhận phê duyệt khoản vay" cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp tiền lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản chỉ định rồi chiếm đoạt.
Lừa đảo bằng cách gửi tin nhắn rác vào tài khoản người dùng với nội dung tuyển dụng công tác viên, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà với thu nhập cao. Khi nạn nhân làm theo hướng dẫn trong tin nhắn, các đối tượng sẽ tự xưng là nhân viên tư vấn, tuyển dụng của một công ty nào đó hay giả mạo là nhân viên của sàn thương mại điện tử để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt tiền.
Tự giới thiệu là người nước ngoài, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam; đề nghị nạn nhân nộp các khoản tiền như thuế, phí, cước vận chuyển... vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.
Dự báo trong thời gian tới, hoạt động lừa đảo qua mạng internet, bưu chính, viễn thông vẫn sẽ tiếp diễn, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, có khả năng gây thiệt hại lớn cho người dân. Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo Nhân dân:
1. Không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết rõ về họ. Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Toà án nếu làm việc với người dân sẽ có GIẤY MỜI, GIẤY TRIỆU TẬP gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.
2. Không cung cấp mã OTP dùng để giao dịch tài khoản ngân hàng cho người khác; không đăng nhập vào đường link lạ; hạn chế việc công khai thông tin ngày sinh, số CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Các tài khoản công khai dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn.
3. Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như: Facebook, zalo... kể cả là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện xác nhận nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản.
4. Không mua, bán, cho mượn giấy CMND, CCCD, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát. Không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Không tham gia việc vay tiền qua APP.
5. Không kết bạn, làm quen với đối tượng lạ, đối tượng nước ngoài. Cảnh giác khi đối tượng thông báo gửi quà hoặc vật phẩm; không chuyển bất cứ khoản tiền chi phí nào để nhận quà tặng.
6. Cảnh giác, thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, Nhân dân cần báo ngay cho lực lượng Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn và giải quyết.