Nhận diện hội, nhóm ảo tiêu cực

Thứ sáu - 16/09/2022 05:08
Lập hội là quyền của công dân và được Nhà nước ta ban hành từ rất sớm. Từ ngày 20/5/1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh 102/SL/L004 ban hành Luật quy định quyền lập hội. Quyền này được quy định đầy đủ hơn tại điều 25, Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Bên cạnh những hội, nhóm tích cực truyền bá kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm hay, biểu dương, tôn vinh gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt lan tỏa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong cuộc sống, trong cộng đồng thì cũng có rất nhiều hội, nhóm bị các đối tượng trong và ngoài nước lợi dụng quyền lập hội để thành lập, cho “ra lò” phục vụ âm mưu, ý đồ xấu Các hội, nhóm này tự ý thành lập trên không gian mạng không chấp hành các quy định pháp luật, đồng thời tiến hành các hành vi, hoạt động xâm phạm ANQG, TTATXH. Sự phát triển hội, nhóm kiểu dạng này đang ngày một gia tăng, thu hút đông đảo người dùng gây mất ANTT, thậm chí nhen nhóm cho những hành vi vi phạm pháp luật từ đây. Nhận diện đúng các hội, nhóm ảo tiêu cực trên không gian mạng để phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là không bị mắc bẫy, bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị lôi kéo, kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là điều rất cần thiết trong tình hình hình hiện nay. Có thể nhận diện các hội, nhóm này tập trung ở hai loại sau:
I. Hội, nhóm hoạt động tuyên truyền chống phá Việt Nam.
Hội, nhóm này được các thế lực thù địch, phản động lập ra, có tổ chức và đặt trụ sở đặt tại nước ngoài. Các hội, nhóm này được tài trợ, tuyển lựa, huấn luyện bài bản, điển hình như các hội, nhóm: Quốc gia chính phủ Việt Nam lâm thời, Triều đại Việt, Việt Tân, Anh em dân chủ, tổ chức xã hội dân sự…Không những thế, chúng triệt để lợi dụng không gian mạng để tuyển thành viên công khai, đưa ra nước ngoài huấn luyện đào tạo. Đối tượng tuyển lựa gồm các đối tượng chính trị bất mãn, công chức, viên chức, sinh viên, người lao động, điển hình như Trần Thị Nga, Phạm Thị Đoan Trang, Bạch Hồng Quyền…Khi về nước tập hợp lực lượng, tiến hành phát tán, chia sẻ các thông tin xấu độc, sai sự thật, tin giả đòi đa nguyên đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, âm mưu lật đổ chính quyền; kích động, gây rối, biểu tình, đình công, lãn công gây mất lòng tin trong Nhân dân, tạo sự chú ý của dư luận, cộng đồng quốc tế thông qua chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, tạo cớ can thiệp của ngoại bang…
II. Hội nhóm “đen” kích động bạo lực, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…
Hội, nhóm này chủ yếu được thành lập trong nước tự đặt ra những cái tên hội, nhóm “lạ lẫm”, không phù hợp với tập quán cũng như pháp luật Việt Nam như Hội vỡ nợ muốn làm liều, Hội những người trầm cảm muốn tự tự, Hội quý bà quý cô rủ nhau vụng trộm,… nhưng lại thu hút đông đảo thành viên, số lượng rất lớn đủ thành phần, đặc biệt có sự tham gia của giới trẻ như như thanh niên, học sinh, sinh viên. Tham gia hội, nhóm này, người dùng được tư vấn nhiệt tình từ việc sử dụng chất cấm, kể cả ma túy, các chiêu trò trốn nợ, các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cách thức mê hoặc và kiếm tiền từ các “cha nuôi”, “mẹ nuôi”, thậm chí cả môi giới mại dâm, kích động đi cướp tài sản ngân hàng, trộm cắp,…
Trước thực trạng trên Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành các văn bản quy định, chế tài nghiêm khắc xử lý mang tính răn đe, hạn chế sự phát triển của các hội, nhóm ảo tiêu cực như Nghị định 144/2021, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; hay mới đây nhất là Nghị định số 53/2022/NĐ-CP, ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng,…. Đây là cơ sở pháp lý vững chức để xử lý các hội, nhóm ảo tiêu cực góp phần dọn “rác” trên không gian mạng.
Để phòng tránh không để các đối tượng lợi dụng dụ dỗ, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia các hội, nhóm trên không gian mạng, Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo Nhân dân:
1. Nâng cao nhận thức của bản thân về thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đã được ban hành, những kiến thức cơ bản của pháp luật về không gian mạng như Luật an ninh mạng, quyền thành lập hội, nhóm,…
2. Không tham gia thành lập, kêu gọi thành lập các hội, nhóm ảo tiêu cực trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
3. Tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, sàng lọc thông tin của các hội, nhóm chính thống có uy tín được pháp luật công nhận, chia sẻ, đăng tải làm lan tỏa những hình ảnh đẹp, câu chuyện hay, những truyền thống văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc đến bạn bè và cộng đồng quốc tế phục vụ cho các hoạt động xây dựng và phát triển cộng đồng tiến bộ, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
4. Khi phát hiện các dấu hiệu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyển lựa thành viên chống phá Việt Nam, các dấu hiệu lạ hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng của các hội, nhóm ảo tiêu cực cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết; không truy cập, đăng tải, chia sẻ, phát tán các tin, bài viết xuyên tạc, sai sự thật chưa được các cơ quan chính thống xác nhận, kiểm chứng gây mất ANTT địa phương.
5. Tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng các hội, nhóm tích cực phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng dư luận; đề xuất, biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân, gương người tốt việc tốt trong các phong trào cách mạng, triển khai thực hiện các mô hình phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn nơi cư trú.
Nhận diện đúng, kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các tác động tiêu cực của các hội, nhóm trên không gian mạng; tổ chức giáo dục, răn đe hoặc xử lý các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật khi cần thiết, bài trừ các thông tin tiêu cực, nhất là các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hạn chế triệt tiêu các điều kiện hoặt động của các hội, nhóm ảo tiêu cực là việc làm thiết thực góp phần xây dựng không gian mạng an ninh, an toàn, lành mạnh./.
 

Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy

Nguồn tin: Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay28,815
  • Tháng hiện tại574,180
  • Tổng lượt truy cập6,207,877
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây