Căn cước điện tử - chìa khóa thực hiện Chính phủ số, xã hội số

Thứ tư - 29/11/2023 02:38
Bộ Công an cho biết, trong bối cảnh việc thực hiện giao dịch điện tử, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ ngày càng phổ biến ở nước ta, căn cước điện tử chính là chìa khóa để thực hiện Chính phủ số, xã hội số.
can cuoc cong dan dien tu 1700903826498
Dự thảo Luật Căn cước đã bổ sung quy định về căn cước điện tử so với Luật Căn cước công dân năm 2014. (Ảnh minh họa)

  Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày mai (27/11), Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Căn cước. Trong phiên thảo luận ở hội trường ngày 25/10 vừa qua, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều tán thành với dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.

Tại phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến thống nhất cao với toàn bộ dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện và kết luận dự thảo Luật Căn cước đủ điều kiện trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Bổ sung quy định về căn cước điện tử là cần thiết

Căn cước điện tử là nội dung được bổ sung tại dự thảo Luật Căn cước so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014.

Theo Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo), trong xã hội số, việc định danh, xác thực con người cụ thể trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết. Nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển đã và đang đầu tư nhiều nguồn lực để tạo dựng nên hệ thống định danh của quốc gia. Đây cũng là yêu cầu quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.

Do vậy, việc bổ sung quy định trong dự án Luật Căn cước về căn cước điện tử; danh tính điện tử của công dân Việt Nam; kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử; sử dụng căn cước điện tử là thực sự cần thiết.

Dự thảo Luật đã quy định nhiều nội dung về căn cước điện tử như: căn cước điện tử; danh tính điện tử của công dân Việt Nam; kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử; sử dụng căn cước điện tử; khóa, mở khóa căn cước điện tử. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý, bổ sung quy định về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử, giá trị sử dụng của căn cước điện tử… cho rõ ràng, đầy đủ.

Bộ Công an cho biết, ở nước ta hiện nay đang có tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc là hơn 140 triệu, trong đó di động chiếm 93,3%. Hệ thống Internet đã phủ sóng trên 99,7% số thôn trên toàn quốc. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới tất cả các xã, phường, thị trấn, trường học, 91% thôn bản.

Vùng phủ 3G/4G đã lên tới 95% dân số đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập Internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển. Như vậy, việc thực hiện giao dịch điện tử, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ ngày càng phổ biến ở nước ta. Trong bối cảnh đó, căn cước điện tử chính là chìa khóa để thực hiện Chính phủ số, xã hội số.

Không mở rộng cấp giấy chứng nhận căn cước đối với toàn bộ người không quốc tịch

Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định rõ về nội dung quản lý người gốc Việt Nam, thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước, nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước, giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước…

Theo cơ quan soạn thảo, thực tế cho thấy, người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam gồm rất nhiều thành phần khác nhau, trong đó có cả những người có quốc tịch nước ngoài nhưng cố tình giấu hoặc vứt bỏ các giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình nhằm mục đích ở lại Việt Nam bất hợp pháp.

Nếu mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước bao gồm cả người không quốc tịch không phải gốc Việt Nam thì có thể sẽ có nhiều đối tượng là người không quốc tịch trên thế giới di cư đến Việt Nam để sinh sống, tác động phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự ở nước ta.

Hiện nay, việc quản lý những người không quốc tịch theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đang được thực hiện rất chặt chẽ, không vướng mắc. Nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật, họ có thể được đăng ký tạm trú, thường trú và tham gia các giao dịch dân sự, các dịch vụ công, các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cho cuộc sống.

Do vậy, dự thảo Luật Căn cước chỉ quy định điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là phù hợp.

Nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về “trung tâm dữ liệu quốc gia” tại một số điều cho đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Trung tâm dữ liệu quốc gia ngay sau khi dự án Luật Căn cước được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành; kịp thời thể chế, quy phạm hóa ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ xác định rõ: Trung tâm dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đồng thời, cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức chính trị-xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Bộ Công an cho biết, Trung tâm dữ liệu quốc gia có chức năng tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu liên quan đến con người (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người có liên quan đến hoạt động kinh tế-xã hội tại Việt Nam) theo quy định của pháp luật.

Việc này nhằm tạo dựng kho dữ liệu về con người; dữ liệu liên quan đến con người bao gồm các thông tin đã được số hóa có nội dung gắn với con người bao gồm: dữ liệu dân cư, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, cán bộ công chức, viên chức, căn cước, hộ tịch, hoạt động tài chính, và các hoạt động khác từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở dữ liệu khác.

Ngoài ra, Trung tâm cũng tiến hành phân tích chuyên sâu các dữ liệu bảo đảm việc hỗ trợ công tác xây dựng các cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển quốc gia. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới trên nền các dữ liệu số được khai thác từ các kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tác giả: Theo Báo CAND điện tử

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay14,534
  • Tháng hiện tại591,958
  • Tổng lượt truy cập5,400,288
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây