Như vậy có nghĩa là, mọi công dân không cần đổi thẻ CCCD, trừ khi có nhu cầu. CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày sáng cùng ngày cũng đề cập ý kiến về trường hợp thẻ CCCD hết hạn sử dụng sau ngày Quốc hội thông qua luật thì cho phép tiếp tục được sử dụng đến hết năm 2024, tránh gây phiền hà cho người dân phải đổi nhiều lần khi có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước khi luật này có hiệu lực (Điều 46 về quy định chuyển tiếp).
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về chuyển tiếp đối với CCCD và CMND tại khoản 3 Điều 46 như sau: "Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024".
Theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 45 quy định về hiệu lực thi hành như sau: "Quy định tại khoản 3 Điều 46 của luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024"; đồng thời, chỉnh lý một số nội dung của Điều 45 và Điều 46 bảo đảm cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế.
Về các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (Điều 24), một số ý kiến đề nghị tại điểm d khoản 1 bổ sung từ "in" và sửa lại thành "Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước".
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH chỉnh lý nội dung này như dự thảo luật và báo cáo như sau: Khi các thông tin của công dân được lưu trữ, mã hóa trong bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước có sai sót thì cũng phải cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm thông tin trên thẻ phản ánh chính xác với thực tế và thống nhất với thông tin trong các cơ sở dữ liệu, thông tin trong căn cước điện tử…, đáp ứng yêu cầu đúng, đủ, sống, sạch, cũng như quyền lợi của người dân khi thực hiện các giao dịch.
Do đó, trong trường hợp không phải đổi thẻ căn cước thì công dân phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, cập nhật thông tin. Để xử lý trường hợp này, bên cạnh việc chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 24, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung nội dung giao Chính phủ "quy định trình tự, thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước" tại khoản 6 Điều 22 như dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Điều 24. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
1. Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của luật này;
b) Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
c) Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;
d) Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;
đ) Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
e) Xác lập lại số định danh cá nhân;
g) Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
2. Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm:
a) Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của luật này;
b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
Nguồn tin: Báo CAND: