Đến nay, 100% văn bản đi, đến của cơ quan được xử lý qua môi trường mạng; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống “một cửa” điện tử; 100% hồ sơ công việc tại xã được xử lý trên hệ thống văn bản thông qua việc ứng dụng chữ ký số để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và tính xác thực; tất cả hồ sơ được scan lên hệ thống. Trong 10 tháng năm 2023, UBND xã đã tiếp nhận, giải quyết 987 hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%.
Cùng với số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính, xã Liêm Cần đã triển khai thu phí, lệ phí bằng hình thức trực tuyến đối với tổ chức, cá nhân bằng tài khoản dịch vụ công, hoặc quét mã QR-Code, bảo đảm tính minh bạch trong quá trình thu phí và lệ phí thủ tục hành chính. Ngoài việc lắp wifi miễn phí, xã bố trí một máy tính riêng phục vụ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến khi họ không sử dụng điện thoại thông minh. Toàn xã lắp đặt 17 mắt camera giám sát tại trụ sở UBND xã, các tuyến đường chính, bãi rác tập trung phục vụ giám sát an ninh, trật tự, giám sát giao thông, vệ sinh môi trường… Thông qua camera giám sát tại bãi rác tập trung, xã đã phát hiện và xử phạt 2 trường hợp đổ rác sai quy định. Từ đó, góp phần răn đe, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường. Trong năm 2023, xã đã hoàn thiện cổng thông tin điện tử, giúp người dân tiếp cận các thông tin chính thống, cơ bản của địa phương một cách nhanh chóng, kịp thời. 100% người dân đã được kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Bà Cù Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Cần cho biết: Xu hướng CĐS đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trong thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về CĐS ngày càng được nâng cao. Tại bộ phận “một cửa”, UBND xã đã niêm yết công khai, đầy đủ thủ tục của tất cả các lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn xã đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, thời gian tới, xã sẽ triển khai lắp đặt hệ thống mạng wifi kết nối internet tại nhà văn hóa thôn và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các nội dung CĐS trên tất cả các lĩnh vực xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Hiện nay, công tác CĐS được thực hiện rộng khắp, toàn diện tại tất cả các xã, thị trấn, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Thanh Liêm. Trong năm 2023, các xã, thị trấn rà soát, cập nhật địa chỉ số với tổng số gần 40.000 địa chỉ được thông báo, bao gồm hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo...), đạt tỷ lệ 100%. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong công tác CĐS của huyện Thanh Liêm chính là 8/16 xã, thị trấn xây dựng cổng thông tin điện tử với đủ các mục thông tin chủ yếu theo quy định. 10/16 xã, thị trấn lắp hệ thống camera giám sát môi trường tại các bãi rác tập trung nhằm giám sát, xử lý các hành vi vi phạm môi trường; nâng cao ý thức người dân không xả rác bừa bãi, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định vì môi trường sống văn minh, sạch đẹp.
Nhận định công tác tuyên truyền, phổ biến theo hướng “cầm tay chỉ việc” sẽ là phương pháp trực tiếp dễ dàng nhất đưa dịch vụ công trực tuyến và kỹ năng số đến với người dân, Thanh Liêm đã phát huy hiệu quả vai trò của 101 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 505 thành viên, nòng cốt là các cán bộ cơ sở, lực lượng đoàn viên, thanh niên có kỹ năng số cơ bản đã được các ngành chuyên môn phối hợp tập huấn; trực tiếp đến địa bàn hỗ trợ và hướng dẫn người dân tiếp cận kĩ năng số và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cơ bản. Đến nay, toàn huyện có hơn 96.200 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 91%.
Xác định thực hiện CĐS toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, thời gian qua, huyện Thanh Liêm đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác CĐS toàn diện từ tuyên truyền, kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện đến tổ chức các hoạt động. Đặc biệt, từ tháng 3/2023, UBND huyện áp dụng hệ thống phần mềm phòng họp không giấy. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Quân, giảm văn bản giấy, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị họp, tăng tương tác giữa các thành viên dự họp... là những hiệu quả rõ nét khi áp dụng hệ thống phần mềm phòng họp không giấy. Phòng họp không giấy hướng đến xây dựng chính quyền điện tử góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành dựa vào dữ liệu số. Toàn bộ quy trình của phòng họp không giấy được thực hiện thông qua hệ thống văn bản điện tử. Các thành viên dự họp có thể truy cập tức thời nhiều tài liệu liên quan đến nội dung họp qua thiết bị thông minh, như: máy tính, ipad, smartphone... Bên cạnh đó, giải pháp này còn tăng cường các tiện ích điều hành cuộc họp, như sơ đồ phòng họp, đăng ký phát biểu, quản lý thành phần tham dự, biểu quyết kết hợp ký số...
Bên cạnh đó, huyện Thanh Liêm cũng triển khai các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính huyện Thanh Liêm; Cổng Thông tin điện tử huyện Thanh Liêm; các phần mềm chuyên ngành. 100% các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã được cấp và ứng dụng chữ ký số phục vụ tạo lập văn bản điện tử. Toàn huyện đã cấp được 423 chữ ký số cho lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc huyện, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và kế toán, cán bộ, công chức, viên chức bộ phận “một cửa” của huyện, các địa phương... Thiết lập zalo trên Cổng Thông tin điện tử huyện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu cần hỗ trợ, giải đáp. 10 tháng năm 2023, toàn huyện tiếp nhận tổng số 20.956 hồ sơ, trong đó hồ sơ nộp trực tuyến là 20.429 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 97,4%. Việc số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 100% (tất cả hồ sơ bao gồm nộp qua mạng và nộp trực tiếp đều phải số hóa để trả kết quả).
Từ huyện đến các xã, thị trấn đều trang bị phòng họp trực tuyến, có kết nối với Chính phủ, mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí. Toàn huyện có 12 sản phẩm được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart; 99,7% số doanh nghiệp của huyện đã nộp thuế điện tử, 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ CĐS, thời gian tới huyện Thanh Liêm tiếp tục tuyên truyền, ban hành các văn bản chỉ đạo về CĐS; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về CĐS với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tổ chức các hội nghị tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức cơ bản, kỹ năng về CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức và lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Nâng cấp hệ thống mạng nội bộ tại UBND huyện và UBND các xã, thị trấn bảo đảm các điều kiện để kết nối mạng diện rộng trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước…
Tác giả: Theo Báo Hà Nam