Ứng dụng thông tin sinh trắc học trên căn cước trong nhiều hoạt động của người dân

Thứ tư - 15/05/2024 21:06
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đó chính là việc thu nhận sinh trắc khi công dân làm Thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học mống mắt được quy định tại điểm b khoản 1, Điều 23 Luật Căn cước nêu rõ: "Người tiếp nhận, thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước".
    Theo quy định của luật, thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp. Sinh trắc học mống mắt được lấy cùng với vân tay và ảnh mặt. Quy định này được áp dụng đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên khi làm thẻ căn cước.
GS. Nông Văn Hải, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết: "Mống mắt là loại dữ liệu này của mỗi con người có tính chính xác rất cao, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay, nhất là khi người dân thực hiện các giao dịch điện tử. Mống mắt là cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân và hỗ trợ khi không thu nhận được vân tay của một người."
    Công dân cung cấp dữ liệu mống mắt khi làm thủ tục cấp căn cước tại cơ quan công an như: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cơ quan Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an cấp quận/huyện/thị xã thành phố thuộc tỉnh.
    Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, Bộ Công an, nhận định: "Sự đồng thuận của người dân là vấn đề rất lớn để thành công triển khai luật căn cước. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân sẽ hiểu hơn và mong người dân sẽ tiếp cận với thông tin theo hướng hỗ trợ cơ quan chức năng để phục vụ người dân tốt hơn thông qua cải tiến về luật căn cước."
Việc cập nhật mống mắt của công dân vào Cơ sở dữ liệu Căn cước sẽ được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất về an toàn thông tin. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm không lo bị lộ, lọt dữ liệu.
Ứng dụng sinh trắc học trong thanh toán
      Ngoài việc giúp các cơ quan chức năng trong công tác quản lý xã hội, việc thu thập sinh trắc học khi luật căn cước có hiệu lực sẽ hỗ trợ người dân thực hiện nhiều ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như thanh toán khi mua sắm, hay di chuyển qua các cửa kiểm soát. Theo các chuyên gia, việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc như mống mắt là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
        Tại sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024, vừa diễn ra tại Hà Nội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ EPAY tổ chức triển lãm xác thực định danh sinh trắc học. Theo đó, người dân và các khách mời đã có chuỗi trải nghiệm hoàn toàn mới trong thanh toán số với các giải pháp xác thực định danh và thanh toán sinh trắc học.
Bà Nguyễn Mai Phương, Tổng Giám đốc EPAY, chia sẻ: "Xác thực định danh và thanh toán sinh trắc học hiện là một xu hướng mới, được ứng dụng tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Singapore… Xu hướng này sẽ mang đến những trải nghiệm thanh toán siêu tiện lợi cho người dùng. Khi luật căn cước có hiệu lực và mọi dữ liệu thông tin được kết nối, việc triển khai thanh toán sẽ rất dễ dàng và hiệu quả."
Giải pháp xác thực định danh và thanh toán sinh trắc học được EPAY giới thiệu và trình diễn tại sự kiện cho phép người dùng chỉ cần thực hiện xác thực định danh một lần với các thiết bị/hệ thống được cấp phép. Sau đó, sử dụng các thông tin sinh trắc học đã được đăng ký để thanh toán trên nhiều lĩnh vực: ngân hàng, giao thông, y tế, hành chính,… một cách thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, ngay cả khi không mang theo bất cứ thiết bị hay hình thức thanh toán vật lý nào.
Chị Nguyễn Thu Hằng, tại Hà Nội, nhận xét: "Đây là dịch vụ rất tiện lợi, dễ thao tác giúp ích cho người dân khi đi ra ngoài khi quên điện thoại, thẻ ngân hàng... vẫn có thể thanh toán khi sử dụng sinh trắc học mống mắt, khuôn mặt, vân tay... dễ dàng, chính xác và an toàn."
      Yếu tố sinh trắc học sẽ không chỉ được ứng dụng trong thanh toán, hay đi lại mà kể từ 1/7 tới đây sẽ được sử dụng để xác thực khi người dân thực hiện chuyển khoản số tiền từ 10 triệu đồng. Để thực hiện quy định này hiệu quả, FPT cùng Bộ Công an nghiên cứu, phát triển ứng dụng FPT.IDCheck. Đây là công cụ đắc lực hỗ trợ tổ chức và doanh nghiệp số hóa trải nghiệm xác thực định danh của người dùng trong các dịch vụ tài chính.
      Ông Vũ Anh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nền tảng và Định danh số, FPT IS, chia sẻ: "Việc xác thực thêm yếu tố sinh trắc học sẽ góp phần bảo vệ người dân, giúp mỗi người chậm lại một chút để suy nghĩ về việc mình có chuyển khoản nhầm không chẳng hạn. Bên cạnh đó, các thông tin sinh trắc học được kết nối lưu thông với căn cước góp phần xác thực định danh, ngăn chặn lừa đảo."
          Luật Căn cước sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7 tới đây. Việc ứng dụng những điểm mới, tính ưu việt của luật vào trong các hoạt động hàng ngày của người dân chính là cách nhanh nhất để luật đi vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả.

Tác giả: Theo ANTV

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay16,861
  • Tháng hiện tại617,846
  • Tổng lượt truy cập5,426,176
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây