CÔNG AN TỈNH HÀ NAMhttps://congan.hanam.gov.vn/uploads/logo.png
Chủ nhật - 05/05/2024 22:01
Bộ Công an vừa tổ chức Hội thảo quốc gia lần thứ nhất đánh giá các giải pháp khoa học công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước. Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại hội thảo. Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như lãnh đạo nhiều tập đoàn, công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam và thế giới.
Phát biểu khai mạc, đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trân trọng cảm ơn và gửi lời chào mừng tới các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước tham dự hội thảo. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá: Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì tổ chức hội thảo và sự có mặt của đông đảo các đại biểu cho thấy, đây không chỉ là tình cảm thực sự yêu quý của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu dành cho Bộ Công an nói chung, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH nói riêng mà còn thể hiện tấm lòng đau đáu, quan tâm rất lớn của các đại biểu đến sự phát triển đất nước trong thời đại 4.0 hiện nay với ước vọng đất nước phát triển 3 trụ cột kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.
Lấy ví dụ về những bước tiến, ý tưởng trong phát triển công nghệ của nhiều nước trên thế giới trong đó có Singapore, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong quá trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ, phía bạn Singapore đã sang trao đổi, học tập kinh nghiệm, cùng phối hợp với các đơn vị chức năng để hoàn thiện bức tranh chuyển đổi số của cả hai nước. Thông tin những nội dung cơ bản của Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 trong đó có nội dung quy định bổ sung thêm thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói và mống mắt, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể tạm thời phân ra làm 3 nhóm, đó là nhóm nước đã đưa ra triển khai nhưng không thành công; nhóm nước triển khai nhưng hiệu quả chưa cao do người dân chưa ủng hộ, đồng thuận và nhóm nước đã triển khai rất thành công khi người dân hưởng ứng tham gia rất đông đảo và háo hức một cách tự nhiên. Những kết quả của nhóm nước thành công trong áp dụng công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt không chỉ phục vụ cho lợi ích của cá nhân công dân mà còn phục vụ cho sự phát triển của cả quốc gia, đất nước, đem lại giá trị lớn lao cho xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi, từ kinh nghiệm triển khai của các quốc gia trên thế giới, vậy câu chuyện đặt ra ở đây là chúng ta sẽ triển khai thực hiện như thế nào để thuận tiện nhất, đạt được hiệu quả cao nhất. Với tình hình thực tế của đất nước chúng ta, những kinh nghiệm của các nước trên thế giới được áp dụng vào như thế nào nhằm triển khai hiệu quả. Việc triển khai, ứng dụng phải đảm bảo đáp ứng cơ sở phù hợp với chính sách pháp luật của đất nước Việt Nam, thông lệ khu vực, quốc tế và tình hình thực tế của người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng khẳng định, là cơ quan được giao, Bộ Công an rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế để bổ sung, đồng thời báo cáo Chính phủ lựa chọn phương án tối ưu nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất, chống lãng phí phục vụ phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Với tâm huyết, trách nhiệm và đặc biệt là kinh nghiệm, kết quả, thành công từ các hội thảo trước đó về xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tin tưởng hội thảo sẽ thành công. Trên cơ sở những nội dung gợi mở và định hướng của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu thêm khẳng định sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò to lớn của ADN, giọng nói, mống mắt trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tập trung thảo luận, đánh giá sâu về các giải pháp khoa học công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước. Những nội dung liên quan đến sinh trắc ADN như tiêu chuẩn, quản lý, khai thác, ứng dụng dữ liệu sinh trắc ADN, đảm bảo khung pháp lý trong thu nhận, khai thác dữ liệu ADN… cũng được các đại biểu sôi nổi thảo luận. Đối với sinh trắc giọng nói, mống mắt, các đại biểu cũng tập trung đánh giá những yếu tố tiêu chuẩn, các vấn đề công nghệ, quản lý, khai thác, ứng dụng, khung pháp lý có liên quan. Thông tin tại hội thảo, các đại biểu cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia hiện đại, tiên tiên trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc… đã xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói phục vụ quản lý dân cư và đấu tranh, phòng, chống tội phạm, thiên tai thảm họa, tìm kiếm tung tích nạn nhân. Tại Ấn Độ đã triển khai cấp thẻ định danh cho hơn 1,3 tỷ công dân chứa thông tin vân tay, mống mắt, ảnh mặt hay sinh trắc học giọng nói. Nhiều quốc gia đã đẩy mạnh ứng dụng hệ thống đăng ký cư dân liên quan đến ADN, sinh trắc học…, tạo nền tảng đẩy mạnh chuyển đổi số từ sớm và đã đạt được rất nhiều thành tựu. Tại Việt Nam, qua triển khai 3 hệ thống gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp CCCD và xác thực định danh điện tử đã bước đi những bước dài, đúng và trúng với tình hình thực tiễn của đất nước cũng như xu hướng quốc tế. Việc triển khai thực hiện những tiện ích công nghệ cho người dân trên thẻ CCCD, định danh xác thực điện tử đã được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt, góp phần thành công trong cắt giảm những thủ tục hành chính; tạo văn minh xã hội; phòng, chống tham nhũng vặt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạch định, điều hành chính sách, quản lý của lãnh đạo, các cơ quan chức năng...