Đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 6

Thứ tư - 24/05/2023 20:44
Sáng 23/5/2023, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đã trình hồ sơ đầy đủ của 3 dự án luật gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.

Cụ thể, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2023 trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (dự kiến đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 5). Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đối với 2 dự án luật, bao gồm: Luật Căn cước; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung 4 dự án luật, bao gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào Chương trình năm 2023 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình.


Đối với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật TTATGT đường bộ, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đã trình hồ sơ đầy đủ của 3 dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, UBTVQH đã xem xét việc đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 3 dự án luật và nhận thấy, Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành và nội dung chính của 3 dự án luật.

“Do đó, UBTVQH tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở” - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thông tin. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.


Về tiến độ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ và dự án Luật TTATGT đường bộ, trên cơ sở cân đối số lượng các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023, UBTVQH thống nhất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho đưa vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật này tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 6. 

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, UBTVQH trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đối với 10 dự án, trong đó có 8 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, bao gồm Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Đường bộ, Luật TTATGT đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; và 2 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, bao gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025...

Về hồ sơ Luật TTATGT đường bộ, phát biểu thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với một số quan điểm, định hướng cơ bản, đồng thời tán thành với việc điều chỉnh Chương trình năm 2023 và dự kiến Chương trình năm 2024. Một số đại biểu góp ý kiến cần bổ sung một số dự án luật vào chương trình. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu ý kiến về Luật TTATGT đường bộ cho biết, nội dung luật đã có những điều chỉnh hợp lý, hồ sơ tài liệu do Chính phủ trình cơ bản hoàn thiện, có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Để chuẩn bị tốt hơn, đạt được sự đồng thuận cao, có thể thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần xem xét, cập nhật thêm những quy định phù hợp với Công ước quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phát biểu tại phiên thảo luận.


Đại biểu cũng đề nghị cơ quan thẩm tra mời các đại biểu Quốc hội quan tâm đến dự án luật này để tham gia thẩm tra, cho ý kiến bằng văn bản. Đại biểu cho rằng, Quốc hội cũng cần có cơ chế khảo sát sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đối với các dự án luật nằm ngoài phạm vi thẩm tra chính của Ủy ban mình, để qua đó có được nhiều ý kiến tham gia hơn, giúp nâng cao chất lượng các dự án luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục đề xuất xây dựng dự án Luật Đường bộ và dự án Luật TTATGT đường bộ là phù hợp với Kế hoạch 81/KH-UBTVQ15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu làm rõ, việc xây dựng các dự án luật nói trên cũng là đòi hỏi khách quan của thực tiễn phù hợp với sự thay đổi vận động phát triển của xã hội, phù hợp với xu thế xây dựng pháp luật trong điều kiện xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án Luật này vào Chương trình năm 2023 là có cơ sở. Đại biểu nêu rõ, việc xây dựng dự án đợt này là để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đảm bảo ANTT ở cơ sở; nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT tại địa bàn cơ sở trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên thảo luận.


“Thời gian vừa qua, các dự án luật đã được Chính phủ tích cực, nghiêm túc và cầu thị trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để chỉnh lý hoàn thiện, chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật đảm bảo theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - đại biểu nêu quan điểm.

Tác giả: Đào Quốc Thăng

Nguồn tin: Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây