Câu 1. Về cơ sở đề xuất xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Trả lời:
a) Về quan điểm, chủ trương của Đảng (cơ sở chính trị):
- Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Ngày 05/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 51 về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đã định hướng về việc xây dựng, củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm cơ sở để đề xuất xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đã định hướng về hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Ngày 17/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở (sau này được đổi tên thành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở).
b) Về cơ sở pháp lý: Được thể hiện ở 02 nội dung sau:
- Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân: Hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải do Luật định. Do đó, việc xây dựng một đạo luật để điều chỉnh về hoạt động, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng này ở cơ sở, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp.
- Kịp thời tạo cơ sở pháp lý quy định về nhiệm vụ, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Theo đó, toàn quốc hiện có 70.867 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định các chức danh Công an xã bán chuyên trách được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã năm 2008 kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về nhiệm vụ mà lực lượng này được thực hiện.
c) Về yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự: Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước liên quan đến an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ngày càng nặng nề hơn; do đó, việc bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở sẽ mang lại những tác động tích cực và hiệu quả trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
Câu 2. Việc xây dựng Luật có làm tăng số lượng tham gia hoạt động, làm tăng chi ngân sách nhà nước hay không; phương án bố trí lực lượng và dự kiến số lượng người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của dự thảo Luật
Trả lời:
- Dự thảo Luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, đang hoạt động hiện nay có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về bảo vệ dân phố) để thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung mà không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách nhà nước; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở và kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối của các tổ chức ở cơ sở, giảm chi ngân sách nhà nước theo chủ trương chung hiện nay.
- Về phương án bố trí lực lượng và dự kiến số lượng người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của dự thảo Luật: Hiện nay toàn quốc có 103.568 thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương; có 66.723 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, 70.867 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng (tổng khoảng 300.000 người). Theo đó, tiếp tục sử dụng, kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh này thành một lực lượng chung với khoảng 300.0000 người và được bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại 103.568 thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương.
Câu 3. Đề nghị nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện về hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản, lực lượng khác đang hoạt động hiện nay ở các địa phương cũng đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (ngoài lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách)
Trả lời:
Hiện nay, ngoài lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Nhà nước thành lập, bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách và đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thì ở nhiều địa phương còn có một số lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác cũng đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự dưới các mô hình như Câu lạc bộ hiệp sĩ đường phố, Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, Hội liên gia tự quản, Tổ an ninh nông thôn, Tổ tự quản an ninh, trật tự… Các lực lượng này không được ngân sách nhà nước bảo đảm về chế độ, chính sách và tự tổ chức, hoạt động theo mô hình tự phòng, tự quản.
Việc đánh giá về hiệu quả hoạt động của các mô hình nêu trên đã được Bộ Công an nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền trong Đề án số 05/ĐA-BCA ngày 07/11/2016 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lực lượng Công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức quần chúng tự quản tham gia thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong tình hình mới. Trên cơ sở Đề án nghiên cứu, Bộ Công an đã chỉ đạo tổng kết thi hành pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Câu 4. Về lý do dự thảo Luật chỉ điều chỉnh kiện toàn thống nhất đối với lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, trong khi thực tế hiện nay còn có các lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác cũng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Trả lời: Đây là dự án Luật điều chỉnh đối với các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử được thành lập và tồn tại từ rất lâu và hiện nay đang được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật (Công an xã được thành lập ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, bảo vệ dân phố được thành lập sau chiến thắng Điện Biên Phủ, dân phòng được thành lập từ những năm 1960). Các lực lượng, chức danh này có mối quan hệ chặt chẽ về cơ cấu, tổ chức bộ máy, đều được bố trí trên địa bàn cấp xã, được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động và trong thực tế đã và đang phát huy vai trò tích cực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá và có đủ cơ sở để quy định trong Luật. Đối với các lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác được thành lập, tổ chức, hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau và mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến trong toàn quốc và còn có nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức, hoạt động của các lực lượng này (hiện nay chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể); do đó, cần phải tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn để có đủ cơ sở quy định trong Luật.
Từ những lý do nêu trên, cơ quan chủ trì soạn thảo đã cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng và thống nhất Luật này chỉ điều chỉnh kiện toàn đối với lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và lực lượng này làm nòng cốt trong xây dựng phong trào quần chúng tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Câu 5. Về lý do sắp xếp, kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng thống nhất mà không phải tất cả lực lượng dân phòng
Trả lời: Hiện nay, các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đều có chung vị trí, chức năng là lực lượng tham gia hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự phòng, tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã. Do có tính chất tương đồng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ nên được kiện toàn thống nhất. Đối với các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng theo quy định của pháp luật hiện hành đang được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã và đang được hưởng hỗ trợ thường xuyên hằng tháng; các chức danh này hiện nay một phần là do các chức danh của lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đảm nhiệm (một người gánh 02 vai, đội 02 mũ) và bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì các chức danh này trong thực tế cũng đang được các địa phương giao thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bên cạnh đó, việc dự thảo Luật chỉ sắp xếp, kiện toàn chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng mà không sắp xếp, kiện toàn cả chức danh đội viên đội dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là vì để một mặt vẫn huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, bảo đảm lực lượng đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở (theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành thì đội dân phòng được thành lập ở mỗi thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương, có trung bình 10 thành viên); đồng thời, không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ đội trưởng, đội phó đội dân phòng được hưởng hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, còn đội viên đội dân phòng chỉ được hưởng bồi dưỡng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, nếu sắp xếp, kiện toàn cả chức danh đội viên đội dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì số lượng người được hưởng hỗ trợ thường xuyên hằng tháng sẽ rất lớn và sẽ làm tăng chi ngân sách nhà nước).
Do đó, khi kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh có chung vị trí, chức năng, đang cùng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay thành một lực lượng chung sẽ góp phần: Kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách; khắc phục được thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng hiện nay; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn cơ sở và tập trung nguồn lực xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở lớn mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Câu 6. Đề nghị cần làm rõ khi kiện toàn thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khi Luật có hiệu lực thi hành thì có tiếp tục duy trì các mô hình quần chúng tự nguyện, tự quản khác ở cơ sở hay không
Trả lời: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xác định là lực lượng làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và là hạt nhân quan trọng để đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hằng năm, Bộ Công an đều chỉ đạo đơn vị chức năng tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tự nguyện, tự quản ở cơ sở để nhân rộng điển hình tiên tiến và xây dựng, phát triển thành mô hình điểm. Theo đó, khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn thống nhất theo Luật này thì không ảnh hưởng đến việc thành lập, tồn tại của các mô hình quần chúng tự nguyện, tự quản khác và vẫn tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hơn nữa phong trào quần chúng tự nguyện, tự quản tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Câu 7. Làm rõ hơn tính chất hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự mang tính tự nguyện, tự quản
Trả lời:
Dự thảo Luật quy định theo hướng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tự nguyện tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; việc bố trí số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng chức danh của lực lượng này do chính quyền địa phương quyết định trên cơ sở căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; đồng thời, dự thảo Luật quy định về xây dựng, tổ chức, hoạt động, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm tính tự quản ở cộng đồng dân cư, tính tự nguyện khi tham gia và do Nhân dân quyết định dưới sự quản lý của chính quyền cơ sở, giám sát của thôn, chi bộ, ban công tác mặt trận và quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan Công an. Công dân Việt Nam bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định thì đều có quyền nộp đơn đề nghị tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; người dân được quyền đề cử, giới thiệu người tham gia hoạt động trong lực lượng này và trực tiếp tham gia hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự. Kinh phí bảo đảm hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương cân đối, hỗ trợ.
Câu 8. Cơ sở để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách và quy định trong dự thảo Luật để tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong khi địa bàn này hiện nay đã được bố trí đồng bộ Công an chính quy
Trả lời:
- Về cơ sở pháp lý: Điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: Các chức danh Công an xã bán chuyên trách được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác. Việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để quy định thống nhất việc quản lý đối với Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí và tổ chức Công an xã chính quy.
- Về yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự: Hiện nay, mặc dù đã bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; tuy nhiên, do biên chế của lực lượng Công an chính quy không thể bố trí đủ số lượng trên toàn bộ địa bàn cấp xã, trong khi địa bàn này là rất rộng, nhiều địa bàn là nơi tập trung các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, chia cắt, đi lại khó khăn… không thể bố trí đủ lực lượng Công an xã chính quy mà vẫn phải huy động, sử dụng các lực lượng quần chúng cùng phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự để giúp lực lượng Công an chính quy chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ, việc, mâu thuẫn xã hội, không để bị động, bất ngờ. Theo đó, tại địa bàn cấp xã, lực lượng Công an cấp xã giữ vai trò là nòng cốt, chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn, còn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự theo sự chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý của Công an cấp xã.
Như vậy, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng và quy định cụ thể nhiệm vụ, tên gọi của lực lượng Công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng để phân biệt với Công an xã chính quy khi tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cũng như chế độ, chính sách mà lực lượng này được hưởng; qua đó, khắc phục thực trạng hiện nay là mặc dù lực lượng Công an xã bán chuyên trách vẫn đang tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự mà lực lượng này được thực hiện cũng như tên gọi, chế độ, chính sách của lực lượng này để bảo đảm thống nhất áp dụng.
Câu 9. Về thực trạng Công an xã bán chuyên trách hiện nay đang được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Trả lời:
- Theo số liệu khảo sát đến nay cho thấy, trong toàn quốc có 70.867 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trong đó có 69.381 người là nam giới, chiếm 98 nữ giới có 1.486 người, chiếm 2%; độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi có 69.258 người, chiếm 98%; trên 60 tuổi có 1.609 người, chiếm 2%);
- Về trình độ văn hóa và trình độ học vấn của lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Theo số liệu khảo sát, thống kê cho thấy, trong tổng số lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được khảo sát, thống kê (67.395 người trong tổng số 70.867 người) cho thấy:
+ Về trình độ văn hóa: Có 49.657 người (chiếm 73.7%) có trình độ 12/12; 17.738 người (chiếm 26.3%) có trình độ tiểu học và trung học cơ sở;
+ Về trình độ học vấn: Có 2.809 người (chiếm 4.17%) có trình độ đại học; 1.518 người (chiếm 2.25%) có trình độ cao đẳng; 4.588 người (chiếm 6.81%) có trình độ trung cấp; 3.857 người (chiếm 5.72%) có trình độ sơ cấp.
Câu 10. Về kết quả bố trí Công an xã chính quy và đánh giá kết quả đạt được khi bố trí Công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã
Trả lời: Tính đến hết nay, toàn quốc đã bố trí hơn 50 ngàn Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại tất cả các xã, thị trấn trong toàn quốc (đạt tỷ lệ 100%). Có thể thấy việc bố trí Công an xã chính quy đã tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở, tạo sự phối hợp chặt chẽ và thuận lợi hơn trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác của Công an cấp trên; các chỉ số về an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở đều có chuyển biến tích cực, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Câu 11. Tác động tích cực khi sắp xếp, kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng thống nhất
Trả lời: Việc sắp xếp, kiện toàn thống nhất sẽ góp phần:
- Bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn;
- Kiện toàn, tinh gọn đầu mối, chức danh theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thật chất hơn;
- Cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
- Bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở;
- Khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.
Câu 12. Tác động tích cực khi kiện toàn thống nhất chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ an ninh, trật tự thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng
Trả lời: Việc điều chỉnh theo hướng nêu trên sẽ góp phần:
- Kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm chi hỗ trợ cho các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
- Bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở; cụ thể, khi có tình huống an ninh, trật tự xảy ra thì tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự sẽ điều hành, chỉ đạo hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ. Khi có tình huống cháy, nổ xảy ra thì tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng sẽ điều hành, chỉ đạo hoạt động của lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Bảo đảm tốt hơn nữa về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cụ thể là khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; khi thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Câu 13. Lý do chỉ bố trí thành mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mà không bố trí theo nhiều mô hình khác nhau
Trả lời: Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, thể hiện quyền tự chủ của Nhân dân ở cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, tổ chức, hoạt động của tổ bảo vệ này phải đặt dưới sự quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở để bảo đảm hoạt động trong khuôn khổ quy định. Việc đề xuất mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương là để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện và thống nhất trong công tác quản lý của nhà nước về hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tránh việc hình thành nhiều mô hình, tổ chức, tên gọi khác nhau như hiện nay, gây khó khăn trong công tác quản lý. Dự thảo Luật quy định bố trí thành tổ bảo vệ an ninh, trật tự cũng là để phân biệt giữa tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các lực lượng quần chúng tự quản khác ở cơ sở không được thành lập theo quy định của Luật này. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị chỉ quy định một mô hình là tổ bảo vệ an ninh, trật tự mà không bố trí theo nhiều mô hình khác nhau.
Câu 14. Về bảo đảm địa điểm, nơi làm việc, trang bị cơ sở vật chất, trang phục, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động
Trả lời: Nội dung này đã được Bộ Công an đánh giá chi tiết trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật; cụ thể:
- Về bảo đảm điều kiện hoạt động, bảo đảm địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do chính quyền các địa phương bảo đảm, cân đối phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại trụ sở Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội và khả năng bảo đảm kinh phí của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã bố địa điểm, nơi làm việc khác đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tiếp tục được sử dụng phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất đã trang bị cho lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách để hoạt động; các địa phương tiếp tục chi trả hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng này (bỏ chi trả phụ cấp như quy định hiện nay đang thực hiện đối với bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách). Với việc điều chỉnh theo hướng này sẽ không làm tăng chi ngân sách nhà nước.
- Cơ sở pháp lý để dự kiến quy định các mục chi trong dự thảo Luật cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là căn cứ theo Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (hiện nay đang quy định chi cho hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách); theo đó, kiến nghị sửa đổi Nghị định này để quy định chi cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Câu 15. Về đánh giá tác động của dự án Luật
Trả lời: Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV cũng như ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, Bộ Công an đã bổ sung vào Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật thông tin, số liệu có liên quan về thực trạng tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay; đồng thời, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách, trong đó đánh giá cụ thể về thực trạng lực lượng, nguồn lực hiện có, thực trạng chi hiện nay và khả năng bảo đảm kinh phí, ngân sách của các địa phương để chi trả chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm tính khả thi.
Câu 16. Dự kiến các mục chi, tổng mức chi theo quy định của dự thảo Luật và so sánh với tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương đang thực hiện
Trả lời:
1. Dự kiến các mục chi và tổng mức chi theo quy định của dự thảo Luật, cụ thể:
a) Dự kiến các mục chi theo quy định của dự thảo Luật, cụ thể:
+ Dự kiến mức chi hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Thực tế hiện nay các địa phương đang chi trả hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng với mức chi trả đang thực hiện trung bình từ 1.4 tỷ đến 2,5 tỷ/01 tháng. Theo đó, khi kiện toàn các lực lượng, chức danh thành một lực lượng thống nhất với khoảng 300.0000 người trong toàn quốc và vẫn thực hiện chi trả hỗ trợ hằng tháng như mức trung bình chi trả cho các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thì 01 tỉnh, thành phố trung bình 01 tháng chi trả từ 1.4 tỷ đến 2,4 tỷ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thông nhất. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ bảo đảm cân đối so với thực tế hiện nay và không làm tăng chi ngân sách nhà nước. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ bảo đảm cân đối so với thực tế hiện nay và không làm tăng chi ngân sách nhà nước;
+ Dự kiến mức chi hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn: Hiện nay, rất nhiều địa phương đang thực hiện việc chi hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho bảo vệ dân phố. Theo đó, nếu lấy mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trung bình khoảng 100 ngàn đến 300 ngàn cho một người hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì một tháng phải hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế là khoảng 45 tỷ/tháng. Trung bình 01 tỉnh, thành phố phải bảo đảm khoảng 700 triệu/01 tháng để chi trả;
+ Về bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất: Trên cơ sở số liệu báo cáo về thực trạng hiện nay cho thấy, khi kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì lực lượng này tiếp tục sử dụng địa điểm, nơi làm việc trước đây đã bố trí cho lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và bố trí tại địa điểm, nơi làm việc của Công an xã và nhà sinh hoạt cộng đồng thôn để hoạt động. Cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng, việc điều chỉnh theo hướng này là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và đã đề xuất quy định trong dự thảo Luật;
+ Dự kiến kinh phí bảo đảm trang bị công cụ hỗ trợ và bảo đảm trang bị hồ sơ, sổ sách: Hiện nay, về cơ bản lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đã được trang bị dùi cui nhựa, dùi cui cao su để thực hiện nhiệm vụ và khi kiện toàn thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì lực lượng này tiếp tục sử dụng công cụ hỗ trợ đã trang bị trước đây cho lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách. Trường hợp trang bị mới dùi cui cao su thì mức kinh phí cần bảo đảm là: Toàn quốc dự kiến có 103.568 tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mỗi Tổ trang bị 02 dùi cui cao su (niên hạn sử dụng trung bình là 05 năm thay thế mới) và với giá thành hiện nay trung bình là 60 ngàn đồng/01 chiếc thì tổng mức kinh phí cần phải bảo đảm dự kiến là 12 tỷ/05 năm. Trung bình 01 tỉnh, thành phố cần bảo đảm kinh phí là khoảng 200 triệu/05 năm và trung bình 01 năm là khoảng 40 triệu/01 năm (3.3 triệu/01 tháng);
Về dự kiến kinh phí bảo đảm trang bị hồ sơ, sổ sách là khoảng 12 tỷ/01 tháng. Trung bình 01 tỉnh, thành phố phải bảo đảm khoảng gần 200 triệu/01 tháng để chi trả. Như vậy, về dự kiến tổng mức kinh phí để bảo đảm trang bị công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của 01 tỉnh, thành phố trung bình là khoảng 203 triệu/01 tháng.
+ Dự kiến kinh phí bảo đảm trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Qua khảo sát, báo cáo cho thấy, hiện nay các địa phương vẫn đang bảo đảm kinh phí để chi trả mua trang phục, huy hiệu, phù hiệu cho các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách và khoản chi này trung bình 05 năm mới phải bảo đảm 01 lần để bảo đảm chi trả. Theo đó, nếu dự kiến tổng số lượng người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là khoảng 300.000 người và trung bình đầu tư khoảng 500 ngàn đồng/01 người để thay đổi trang phục, phù hiệu, huy hiệu, biển hiệu và in, cấp giấy chứng nhận (niên hạn sử dụng trung bình là 05 năm thay thế mới) thì tổng mức chi là khoảng 150 tỷ đồng/05 năm. Trung bình 01 tỉnh phải bảo đảm khoảng 2.4 tỷ đồng/05 năm và trung bình 01 năm/01 tỉnh là khoảng hơn 400 triệu/01 năm (33 triệu/01 tháng).
b) Tổng mức chi theo quy định của dự thảo Luật: Trên cơ sở dự kiến mức chi theo quy định của dự thảo Luật cho thấy, tổng mức chi trung bình dự kiến của 01 tỉnh, thành phố để chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất là khoảng 2,4 tỷ/01 tháng/01 tỉnh, thành phố (trung bình khoảng 28,8 tỷ/01 năm).
2. So sánh tổng mức chi theo quy định của dự thảo Luật với tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương:
- Tổng mức chi trung bình hiện nay của các địa phương chi cho hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay là khoảng từ 20 tỷ đến 30 tỷ/năm (trung bình từ 02 tỷ đến 2,5 tỷ/01 tháng).
- Tổng mức chi theo quy định của dự thảo Luật: Tổng mức chi trung bình dự kiến của 01 tỉnh, thành phố để chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất là khoảng 2,4 tỷ/01 tháng/01 tỉnh, thành phố (trung bình khoảng 28,8 tỷ/01 năm).
Như vậy, quy định của dự thảo Luật về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở so với tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương đang thực hiện là bảo đảm cân đối và không làm tăng chi ngân sách nhà nước.
Câu 17. Nguồn kinh phí để bảo đảm chi trả cho hoạt động, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất
Trả lời:
Nguồn kinh phí để bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương bảo đảm và hiện nay ngân sách địa phương vẫn đang chi cho tổ chức, hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách. Theo đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hiện hành để quy định chi cho tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cụ thể:
- Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (hiện nay đang quy định chi cho các hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách). Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 165/2016/NĐ-CP để quy định chi cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn cho phép thu các khoản đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện để sử dụng vào mục đích cộng đồng, trong đó có chi phục vụ cho hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư số 344/2016/TT-BTC để quy định chi cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Câu 18. Tham khảo kinh nhiệm nước ngoài về lực lượng tham gia thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Trả lời:
Qua nghiên cứu pháp luật của một số nước như Nga, Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Singapore… cho thấy, ở các quốc gia này bên cạnh việc quy định lực lượng vũ trang chuyên trách làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước thì cũng có quy định về các lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, như ở Trung Quốc tại địa bàn cơ sở có thành lập tổ chức phòng ngừa bảo vệ trị an để huy động và tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; ở Nga thành lập đội trật tự nhân dân; ở Nhật thành lập đội cứu hỏa thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở tương tự như đội dân phòng ở Việt Nam; ở Lào thành lập các lực lượng quần chúng tự nguyện tương tự như lực lượng dân phòng, Công an xã ở Việt Nam; ở Singapore thành lập lực lượng tình nguyện viên hoạt động bán chuyên trách thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật của một số nước về tổ chức, hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở để quy định phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Câu 19. Về rà soát văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực và những văn bản phải sửa đổi, bổ sung sau khi Luật được ban hành
Trả lời:
Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể:
a) Về sửa đổi, bổ sung Luật: Dự thảo Luật quy định về nội dung sửa đổi, bổ sung 06 luật, gồm:
- Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2013;
- Luật An ninh quốc gia năm 2004;
- Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014;
- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017;
- Luật Công an nhân dân năm 2018.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên năm 2019.
b) Các văn bản dưới luật phải sửa đổi, bổ sung gồm: 09 nghị định, 04 thông tư và văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách của các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách.
c) Các văn bản hết hiệu lực gồm: 01 pháp lệnh, 02 nghị định, 01 Thông tư liên tịch và 01 Thông tư.