|
Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông. |
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, như sau:
1. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 135/2021/NĐ-CP và quy định của Bộ Công an về quản lý, sử dụng tài sản, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân.
2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị phục vụ phát hiện vi phạm hành chính và các thiết bị kèm theo trước khi đưa vào sử dụng và trong quá trình sử dụng, nếu có hư hỏng, sự cố không thể sử dụng được, phải đăng ký, báo cáo về Bộ Công an (qua các Cục nghiệp vụ theo hệ lực lượng) để theo dõi. Phòng nghiệp vụ thuộc Công an cấp tỉnh tập hợp báo cáo theo hệ lực lượng của Công an địa phương.
3. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi có quyết định, kế hoạch được phê duyệt của người có thẩm quyền quy định tại Điều 12 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.
a) Căn cứ kế hoạch được phê duyệt, đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ lập kế hoạch định kỳ hằng tháng về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, trình người có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp sử dụng đột xuất, đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền;
b) Căn cứ kế hoạch sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hằng tháng được phê duyệt, đơn vị quản lý sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ lập và triển khai kế hoạch sử dụng theo tuần, ca công tác.
4. Quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất và quy chuẩn (nếu có).
5. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (bao gồm cả dữ liệu thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) phải được giao, nhận theo kế hoạch công tác; việc giao, nhận được ghi chép trong sổ giao, nhận phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
6. Không được tự ý xoá hoặc làm thay đổi dữ liệu trong các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Trường hợp bộ nhớ trong, thẻ nhớ ngoài của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã đầy dữ liệu không lưu trữ được nữa thì người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ báo cáo người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tiến hành chuyển dữ liệu vào máy tính nghiệp vụ để lưu trữ theo quy định. Sau khi đã lưu trữ dữ liệu vào máy tính, mới được tiến hành xoá dữ liệu trong phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thẻ nhớ ngoài; việc xóa dữ liệu phải được lập biên bản ghi nhận.
7. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa đi kiểm định, hiệu chuẩn, sửa chữa hoặc có dấu hiệu hư hỏng, gặp sự cố (kể cả thẻ nhớ ngoài), phải tiến hành ngay việc lưu trữ dữ liệu vào máy tính nghiệp vụ; lập biên bản ghi nhận việc lưu trữ.
8. Công an các đơn vị, địa phương được giao quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ngoài thực hiện theo quy định tại Thông tư này, phải thực hiện theo các quy định về quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, dữ liệu thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong các quy trình công tác của hệ lực lượng.
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến
tại đây.
File đính kèm