Tạo điều kiện tối đa cho người chưa thành niên phạm tội có cơ hội sửa chữa

Thứ tư - 17/04/2024 10:35
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 5 phần, 11 chương, 166 điều, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

Tiếp tục Phiên họp thứ 32, ngày 17/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên

Trình bày Tờ trình dự án luật, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo luật gồm 5 phần, 11 chương, 166 điều, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Dự thảo luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự như: bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; xử lý chuyên biệt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân... Dự thảo luật cũng mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng.

tiến.jpeg -0
Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của TAND tối cao. Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

nga.jpeg -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

“Tuy nhiên, với tính chất là một đạo luật chuyên biệt, dự thảo luật quy định khá nhiều chính sách đổi mới về tư pháp người chưa thành niên. Điều này sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi, bổ sung một số luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự… nên Ủy ban Tư pháp đề nghị, TAND tối cao tiếp tục rà soát đầy đủ, đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, bổ sung đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu rõ.

Cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng?

Tại phiên họp, các đại biểu tán thành với việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; cho rằng, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

tùng.jpeg -0
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị điều chỉnh đồng bộ cả các biện pháp xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên, thiết kế các chính sách xử lý theo cách tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, đầy đủ, thống nhất và đáp ứng yêu cầu bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.

Dự thảo luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng và làm rõ nội hàm của từng biện pháp để tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn, áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nếu dự thảo luật chỉ điều chỉnh vấn đề xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, không điều chỉnh hai vấn đề cốt lõi về hình phạt và thủ tục tố tụng thì cũng không thể gọi đây là Luật Tư pháp người chưa thành niên, mà sẽ trở thành Luật Xử lý chuyển hướng, sẽ không phù hợp với phạm vi đã trình Quốc hội quyết định khi đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Cũng phát biểu về biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ biện pháp tư pháp giáo dục thành biện pháp xử lý chuyển hướng là khác với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, biện pháp xử lý chuyển hướng cần tập trung vào việc phục hồi cho người chưa thành niên, khắc phục các thiệt hại và không liên quan đến bất cứ hình thức tước quyền tự do nào đối với người chưa thành niên. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, cơ quan trình cần đánh giá, làm rõ việc chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng mà không phải là biện pháp tư pháp giáo dục như đã quy định tại Bộ Luật Hình sự.

cường.jpeg -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, theo Tờ trình dự án luật, do đây là vấn đề mới nên TAND tối cao trình hai phương án gồm: Một là, giao cho cả 3 cơ quan (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đều có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp này; hai là, chỉ giao cho Tòa án xem xét, quyết định.

Đồng tình với loại ý kiến thứ hai nhằm tránh nguy cơ bỏ lọt tội phạm và tránh lạm dụng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, việc giao cho tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp này sẽ buộc phải cân nhắc xem xét kỹ lưỡng, cũng như thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng của tòa án trên cơ sở phiên họp công khai do tòa án tổ chức với sự tham gia của người chưa thành niên phạm tội và đại diện các cơ quan tổ chức có liên quan giúp cho người chưa thành niên nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình.

Phát biểu tiếp thu giải trình tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, về thẩm quyền quyết định xử lý chuyển hướng, có những vụ án không cần thiết phải mở phiên tòa, có thể xử lý ngay từ giai đoạn điều tra. 

Nguồn tin: Báo CAND:

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay28,454
  • Tháng hiện tại539,041
  • Tổng lượt truy cập6,172,738
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây