Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động có thể bị phạt tới 50 triệu đồng

Thứ hai - 10/06/2024 22:13
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, việc người sử dụng lao động giữ giấy tờ tùy thân của người lao động là hành vi bị nghiêm cấm và nếu vi phạm sẽ có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, nếu là tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền tới 50 triệu đồng.

Hiện hành, pháp luật nghiêm cấm người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động và giữ giấy tờ tùy thân đối với người lao động là người giúp việc gia đình.

Cụ thể, Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi mà người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động. Trong đó có quy định không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

Mặt khác, Điều 165 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động. Theo đó, quy định người sử dụng lao động không được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động có thể bị phạt tới 50 triệu đồng - 1
Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động có thể bị phạt tới 50 triệu đồng (Ảnh minh họa: Trần Huyền).

Nếu người sử dụng lao động giữ giấy tờ tùy thân của người lao động sẽ có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 12/2020/NĐ-CP, nếu người vi phạm là cá nhân thì mức phạt như sau:

Phạt tiền 20-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động - theo Điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động - theo Điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2020/NĐ-CP.

Phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình - theo Điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định 12/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục là buộc người sử dụng lao động trả lại giấy tờ tùy thân cho lao động là người giúp việc gia đình - theo Điểm c khoản 3 Điều 30 Nghị định 12/2020/NĐ-CP.

Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, mức phạt đối với tổ chức vi phạm có thể lên tới 50 triệu đồng.

Theo Khoản 1, 3 Điều 6 Nghị định 12/2020/NĐ-CP, tổ chức bao gồm: Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm, trừ trường hợp thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp; Tổ chức phi chính phủ;

Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân;

Văn phòng thường trú của cơ quan báo chí nước ngoài, văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam;

Cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức quốc tế liên Chính phủ, trừ trường hợp được miễn xử phạt vi phạm hành chính theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

Văn phòng đại diện hoạt động không sinh lời tại Việt Nam của tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài;

Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở văn hóa - xã hội.

Tác giả: BÁO DÂN TRÍ

Nguồn tin: dantri.com.vn:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây