Đại biểu Quốc hội tán thành quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định biện pháp cảnh vệ trường hợp cấp thiết

Thứ hai - 03/06/2024 23:57
Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm thảo luận như: bổ sung đối tượng cảnh vệ, bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc quy định của Luật Cảnh vệ...

Thống nhất bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, 12 vấn đề mà luật sửa đổi, bổ sung đều là những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra cần phải sửa đổi. Có những vấn đề đã được xác định trong các quan điểm, kết luận của Bộ Chính trị; có những nội dung do yêu cầu quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới; có những nội dung cảnh vệ đã thực hiện có hiệu quả, cần được luật hoá; có những nội dung do yêu cầu xây dựng lực lượng cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại... "Như vậy, việc xác định quan điểm sửa đổi là rất chính xác, tôi tán thành với quan điểm của Chính phủ như trên", ông nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám.

Về đối tượng cảnh vệ, dự thảo luật mở rộng đối tượng cảnh vệ là con người, đại biểu nhận thấy rất cần thiết, vì Thường trực Ban Bí thư là người điều hành các công việc hàng ngày, cao cấp của Đảng, Nhà nước; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao là người đứng đầu cơ quan tư pháp, thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, nên bổ sung là phù hợp.

"Tôi đồng tình bổ sung các chức danh: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao vào đối tượng cảnh vệ, quy định như vậy là phù hợp, kịp thời thể chế hoá các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở" - ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) lý giải.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh.

Ông cũng bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và thực hiện quy trình thông qua tại 1 kỳ họp; đánh giá hồ sơ dự án luật bảo đảm đầy đủ theo quy định, đồng thời, việc thông qua dự án luật sẽ góp phần kịp thời thể chế hoá các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Đồng quan điểm, ĐBQH Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ tại điểm b, điểm c, khoản 3, Điều 1 nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng, nhất là Kết luận số 35 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. "Việc bổ sung 3 chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị", nữ đại biểu bổ sung.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều.

Theo ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông), cảnh vệ là lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, yêu cầu rất cao về áp lực công việc để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Do đó, cần phải quan tâm, có các chế độ, chính sách thoả đáng như tiền lương, nhà ở..., đảm bảo các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, công nghệ, trang bị vũ khí, khí tài, thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác.
"Để đảm bảo chính sách đối với lực lượng cảnh vệ và yêu cầu công tác cảnh vệ, ngoài vai trò, trách nhiệm của Chính phủ còn có trách nhiệm các cơ quan có liên quan, ví dụ như, Quốc hội ban hành các luật nhằm xây dựng lực lượng cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đảm bảo vũ khí, phương tiện kỹ thuật...", đại biểu nêu và đề nghị cần rà soát, định hình các chính sách mới đối với lực lượng cảnh vệ thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Công tác cảnh vệ tiềm ẩn bất trắc, khó lường nên cần quy định linh hoạt, hiệu quả
Tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, ĐBQH Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng và ban hành dự án luật là cần thiết, nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tiếp tục thực hiện cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.
 

 Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành.
Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành.

Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc quy định của Luật Cảnh vệ (điểm h, khoản 3, Điều 1), ông nhất trí quy định bổ sung áp dụng công tác cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ như quy định dự thảo luật: trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc quy định tại điều này.    
"Tôi cho rằng, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Do đó, tuỳ tình hình ANTT trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ (thường là trong phạm vi, thời gian nhất định, cho từng đối tượng) là phù hợp", đại biểu nhận định.

Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Luyến
Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Luyến.

Ông cũng cho hay, thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, công tác cảnh vệ nói riêng đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để kịp thời điểu chỉnh. Thực tế lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra, hoặc theo đề nghị của bộ, ban, ngành, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 luật hiện hành.
"Thống kê của Cơ quan chủ trì soạn thảo cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 57 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu do thực tiễn đặt ra... Do vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của công tác cảnh vệ, việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp", ĐBQH Lê Nhật Thành dẫn chứng.
ĐBQH Tô Văn Tám đánh giá, công việc cảnh vệ nhiều yếu tố bất ngờ, khó lường trước; mặt khác, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, đối ngoại có những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, do đó, việc bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết là phù hợp.

Thứ trưởng điều hành hoạt động Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu tại phiên thảo luận.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng  Bộ Công an phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo ĐHQH Vũ Hồng Luyến, khoản 5, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định, căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, khi xét thấy cần thiết, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định tại các Điều 11,12,13,14 luật này.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tính kịp thời, đã tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cảnh vệ. "Mặt khác, việc áp dụng biện pháp cảnh vệ trong các trường hợp trên phù hợp quy định tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 "quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo luật trong trường hợp cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng".
Tại phiên thảo luận, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng điều hành hoạt động Bộ Công an đã thay mặt Cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến để khẳng định tính cấp thiết, sự cần thiết sửa đổi luật; bổ sung thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cảnh vệ, quy định rõ hơn về đối tượng cảnh chế, chế độ và biện pháp cảnh vệ, bố trí lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng cảnh vệ và điều kiện đảm bảo thực hiện công tác cảnh vệ...
Đồng chí Thứ trưởng cho rằng, quá trình xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, Cơ quan soạn thảo đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động, tạo cơ sở cho việc đề xuất nội dung, quy định trong dự thảo luật đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời khẳng định sẽ nghiên túc tiếp thu tối đa, đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Nguồn tin: Báo CAND:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây