Điều chỉnh khái niệm vũ khí giúp kéo giảm tội phạm, hậu quả gây ra
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) cho rằng, dự thảo luật đã đề cập tương đối đầy đủ những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, phát huy được vai trò quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
"So sánh với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi năm 2019, dự thảo luật lần này có nhiều nội dung mới được bổ sung, tôi hoàn toàn đồng ý vì phù hợp với tình hình thực tế hiện nay là: đã bổ sung các loại dao, vũ khí thô sơ - những công cụ được coi là vũ khí, thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này để phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; cắt giảm các loại giấy tờ, thủ tục, giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ liên quan đến trình tự tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia...", ông phân tích.
Ngoài ra, theo đại biểu, dự thảo luật cũng có quy định về trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho thuê, cầm cố... vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để có thể tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài cho, tặng, viện trợ; một số quy định về nghiên cứu, sản xuất kinh doanh, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp của dự thảo luật đã được sửa đổi để phù hợp với một số dự án luật khác, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang (Đồng Nai) bày tỏ tán thành, đánh giá cao Cơ quan soạn thảo, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, đồng thời tâm đắc với chính sách hoàn thiện pháp luật, khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong dự thảo luật. Theo ông, đây là điểm mấu chốt của dự án luật này so với các chính sách khác, đáp ứng yêu cầu rất cấp bách của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý Nhà nước.
Ông dẫn báo cáo của Chính phủ, 5 năm qua toàn quốc xảy ra 28.715 vụ vi phạm pháp luật liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó 27.161 vụ liên quan các loại súng săn, vũ khí tự chế, các loại dao...; trong đó, vũ khí tự chế như súng săn, súng bắn đạn ghém gấp 6-7 lần vũ khí quân dụng; đồng thời cho rằng, vũ khí quân dụng chúng ta quản lý rất chặt so với các nước, nên việc tiếp cận, sử dụng gây án rất hạn chế; còn các loại vũ khí khác như súng săn, súng bắn đạn ghém chiếm tỷ lệ cao, đặt ra vấn đề nhức nhối cần phải được quản lý.
"Việc sửa luật sẽ nâng cao tính răn đe, góp phần xây dựng xã hội kỷ luật, kỷ cương, an ninh, an toàn. Rõ ràng với số liệu như thế mà trong thực tiễn xử lý các vụ án hình sự, chúng ta chủ yếu xử lý các tội danh như cướp tài sản, giết người, cố ý gây thương tích..., còn các tội danh liên quan vũ khí khó xử lý, vận dụng...", đại biểu lý giải và nhận định, nếu điều chỉnh khái niệm về vũ khí sẽ giúp kéo giảm tội phạm, đồng thời giảm tác hại, hậu quả của tội phạm gây ra. Vì trong phòng, chống tội phạm, phòng ngừa là quan trọng nhất, mà để phòng ngừa hiệu qua thì phải đẩy lùi, kéo giảm nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Nhất trí quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ
ĐBQH Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) nhất trí cao việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Về bổ sung dao có tính chất sát thương cao là vũ khí thô sơ, bà dẫn báo cáo tổng kết 5 năm thi hành luật cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ thì có đến 25.378 vụ, chiếm hơn 88% đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao để gây án.
Riêng các đối tượng sử dụng các loại dao gây án là hơn 16.841 vụ, chiếm hơn 66%; nhiều vụ các đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc, có tính sát thương cao, giết người với tình tiết manh động, gây bức xúc, hoang mang trong nhân dân... Thêm vào đó, hiện tượng thanh niên tự hoán cải, tự chế dao để sử dụng phạm tội khá phổ biến, tuy nhiên, không xử lý được hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí do luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. "Do đó, cần bổ sung trong luật dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ", đại biểu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang cho rằng, các loại dao, súng tự chế... đang là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trong tình hình hiện nay, nên nếu quản lý chặt sẽ giúp hạn chế. Hiện, Công an các đơn vị, địa phương đều có lực lượng tuần tra, xử lý việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công vụ hỗ trợ, chẳng hạn, lực lượng 141 Hà Nội đang rất hiệu quả trong việc này. Vấn đề ở chỗ, việc phát hiện rất nhiều song chỉ xử lý hành chính, không xử lý hình sự được vì chưa quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
"Quy định này sẽ góp phần kéo giảm tội phạm, nhất là hiện nay các đối tượng xấu, có tiền án, tiền sự luôn thủ mã tấu, lê, vũ khí tự chế..., khi phát sinh mâu thuẫn, có điều kiện thì trở thành tội phạm ngay. Có những việc ở trong quán chỉ cần "nhìn đểu" là rút dao đâm ngay, nếu luật được thông qua sẽ giúp kiềm chế tội phạm", ĐBQH tỉnh Đồng Nai bổ sung.
ĐBQH Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk) nhất trí cao với việc bổ sung, đưa linh kiện vũ khí vào vũ khí quân dụng vì, qua thực tiễn 5 năm thi hành luật, lực lượng chức năng đã phát hiện 743 vụ, 745 đối tượng, hơn 611.000 linh kiện vũ khí, nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
"Đồng thời, thực tế hiện nay các đối tượng đang lợi dụng kẽ hở pháp luật để tháo rời súng thành cách bộ phận để mua bán, vận chuyển trái phép, hành vi này có chiều hướng gia tăng. Qua nghiên cứu, tham khảo luật một số nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga... đều quy định linh kiện lắp ráp vũ khí là vũ khí. Vì vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp", bà dẫn chứng.
Đại biểu cũng nhất trí cao bổ sung các loại súng tự chế như súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén hơi, súng nén khí... vào nhóm vũ khí quân dụng vì qua tổng kết thi hành luật thấy, trong tổng số 2.113 vụ, 3.135 đối tượng sử dụng trái phép các loại súng gây án thì có 1.783 vụ, 2.589 đối tượng sử dụng các loại súng tự chế gây án. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chế nhiều người, nguy hiểm như vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, theo quy định của luật hiện hành thì các loại súng này chỉ được coi là súng tự chế, chưa phải là vũ khí quân dụng...
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tại phiên thảo luận, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng điều hành hoạt động Bộ Công an trân trọng cảm ơn ý kiến của các ĐBQH đã tham gia làm rõ, có kiến nghị, đề xuất, đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung như: về tên gọi của dự thảo luật; về giải thích từ ngữ "phòng vệ chính đáng", "hành vi cấm"; về quy định, khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; về quy định đối với việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ; về nội dung liên quan đến quy định khai báo vũ khí thô sơ; quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất về thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...
Đối với những nội dung trên, ngay trong quá trình xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đã được Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Cơ quan soạn thảo chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá về những tác động đa chiều một cách kỹ lưỡng, tạo cơ sở cho việc đề xuất nội dung, quy định trong dự thảo luật được đảm bảo về tính khả thi; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
"Các ý kiến của các ĐBQH tại phiên thảo luận hôm nay rất tâm huyết, Cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn tối đa và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến hợp lý để khẩn trương tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, sớm hoàn chỉnh dự thảo luật chặt chẽ, chất lượng hơn và đảm bảo khả thi hơn, trước khi trình Quốc hội thông qua", Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ khẳng định.
Nguồn tin: Báo CAND: