CÔNG AN TỈNH HÀ NAMhttps://congan.hanam.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ sáu - 08/12/2023 04:40
Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội thông qua Luật Căn cước, đổi tên Thẻ Căn cước công dân thành Thẻ Căn cước. Theo quy định của Luật Căn cước, thẻ căn cước công dân gắn chip hiện đang sử dụng có giá trị cho đến khi hết hạn. Do đó, người dân không phải thực hiện cấp đổi lại, không gây lãng phí, phiền hà cho người dân.
Có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, Luật Căn cước với nhiều quy định cụ thể về căn cước, định danh điện tử cho công dân,... giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Theo Luật Căn cước, tên gọi của thẻ “Căn cước công dân” được đổi thành thẻ “Căn cước”. Việc đổi tên thẻ “Căn cước công dân” thành thẻ “Căn cước” để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế; đồng thời bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia.
Việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước vì tại Điều 46 Luật Căn cước đã quy định, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng. Cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp. Hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan Nhà nước cấp; gây khó khăn nhất định cho công dân trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Những hạn chế đó được khắc phục trong Luật Căn cước, cụ thể như: bổ sung, chỉnh lý quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của công dân liên quan đến căn cước điện tử đầy đủ, chặt chẽ hơn… Luật Căn cước giúp giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái, phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ hiệu quả cho chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Bên cạnh đó, Luật Căn cước bổ sung quy định về quản lý, cấp Thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Quy định cấp Thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và tiện ích của thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử; nhất là trong việc xác thực thông tin cá nhân; thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư; giảm chi phí trong thực hiện công tác chuyển đổi số; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người dân tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống. Có thể thấy, Luật Căn cước được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là một bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước vào công tác quản lý Nhà nước, phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số./.