Phát biểu tham luận tại phiên họp lần thứ tám của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tổ chức sáng 24/4, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đánh giá: Chuyển động của Đề án 06 với 23 nhiệm vụ trong Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng rất lớn của các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Những sản phẩm, lợi ích to lớn của Đề án 06 đưa ra đã được người dân, doanh nghiệp và xã hội vui mừng đón nhận và thụ hưởng.
Lấy ví dụ tại TP Hà Nội, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép triển khai thí điểm, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, TP Hà Nội đã dùng ngân sách của địa phương đầu tư về hạ tầng công nghệ.
"Bước đầu, người dân đã được thụ hưởng những tiện ích về sổ sức khỏe điện tử, trong khám chữa bệnh, học bạ số, thanh toán không dùng tiền mặt trong an sinh xã hội…Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã giới thiệu những mô hình, cách làm hay của Hà Nội đến các địa phương và đến thời điểm này, nhiều địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, ứng dụng và triển khai các nội dung trên từ Đề án 06"- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng thông tin, ngày 22/4 vừa qua, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội triển khai thí điểm cung cấp lý lịch tư pháp trên VNeID. Trước đây, trung bình một ngày có khoảng 500 hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp tại TP Hà Nội. Trong hai ngày đầu tiên triển khai thí điểm cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, đã cấp trên 50% nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân. Đối với những người dân chưa biết thông tin, đến nộp hồ sơ trực tiếp đã được Sở Tư pháp Hà Nội và Thừa Thiên Huế phân luồng, hướng dẫn ngay từ cổng để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.
"Thay vì phải đến trực tiếp tại các Sở Tư pháp như trước, người dân ngồi ở bất cứ đâu với điện thoại thông minh, kết nối Internet đều dễ dàng thực hiện được việc đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Đây là bước đột phá rất lớn, báo chí và người dân rất ủng hộ, dư luận vô cùng vui mừng. Hiện, VNeID đã cung cấp 8 tiện ích để phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội, 23 tiện ích sẽ tiếp tục được cung cấp. Người dân không phải dùng giấy tờ giấy, không phải đến cơ quan công quyền, mất thời gian, công sức, chi phí…Các sản phẩm từ Đề án 06 đang mang lại những lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội"- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Đánh giá những tồn tại, vướng mắc nếu không nhanh chóng được giải quyết sẽ là những “điểm nghẽn” rất lớn cho việc triển khai Đề án 06, chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng nhận thức và hành động của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương là vô cùng quan trọng, có yếu tố quyết định đến sự thành bại của chuyển đổi số.
“Như Thủ tướng đã khẳng định, đây là nhiệm vụ mới, khó, công nghệ liên tục thay đổi, nếu người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương không có quyết tâm chính trị cao, không sát sao, quyết liệt, chủ động thì sẽ khó có thể thực hiện hiệu quả”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá.
Đối với Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã giới thiệu kinh nghiệm triển khai hiệu quả những mô hình ứng dụng chuyển đổi số của Đề án 06 của TP Hà Nội đến các bộ, ngành, địa phương, nhưng đến nay vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động áp dụng, triển khai.
Phân tích những “điểm nghẽn” và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã chỉ ra “lời giải”. Cần phải biết đầu tư trọng tâm, trọng điểm ở lĩnh vực, nội dung nào để phục vụ cho kết nối dữ liệu, phát triển dữ liệu, xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, quyết liệt triển khai và triển khai đồng bộ mới đạt kết quả.
Lấy ví dụ về nhiệm vụ số hóa dữ liệu phục vụ thí điểm cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã số hóa được 17 trường dữ liệu thông tin của công dân trên 22 trường thông tin mà Bộ Tư pháp đã công bố trong phiếu lý lịch tư pháp. Bộ Công an đã có hướng dẫn sử dụng 17 trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho người dân, cơ quan chức năng trong giải quyết thủ tục hành chính, cấp phiếu lý lịch tư pháp...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, hiện nhiều địa phương chưa chủ động áp dụng, triển khai và vẫn chờ để thực hiện những dự án trước đó đã được đăng ký, nguy cơ gây ra sự lãng phí, chậm trễ trong triển khai Đề án 06, chuyển đổi số…Hay như hiện nay, cùng với 7 ngân hàng đã tham gia, 44 ngân hàng khác cần phải nhanh chóng tham gia phục vụ cho việc thanh toán trong cấp lý lịch tư pháp trên VNeID. Vai trò chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong nội dung này là rất quan trọng.
Dẫn kinh nghiệm việc sau khi có dữ liệu dân cư, Thủ tướng đồng ý triển khai Đề án 06 và với những kết quả bước đầu của Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 175 triển khai Đề án xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia với 8 dữ liệu gốc để phát triển, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi với các bộ, ngành, vậy hiện nay chúng ta cần phải tiếp tục có những định hướng lớn như thế nào để phục vụ cho chuyển đổi số, Đề án 06 được triển khai hiệu quả hơn nữa trong tương lai.
“Nếu chúng ta không chuẩn bị sớm, chuẩn bị tích cực nguồn nhân lực mà nguồn nhân lực đánh giá ở 2 vế tập huấn và đào tạo chuyên sâu để có thời gian sử dụng, đi vào từng lộ trình cụ thể thì sẽ khó triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra trong chuyển đổi số, Đề án 06. Hay như chúng ta cần xây dựng được đề án năng lượng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trên lĩnh vực này, hoặc các công ty, tập đoàn của Việt Nam vươn mình ra khỏi Việt Nam đầu tư công nghệ vào các nước khác trên thế giới”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề xuất.
Lấy ví dụ của các nước trên thế giới rất quan tâm trong việc xây dựng những luật, bộ luật có liên quan đến chuyển đổi số, dữ liệu, chia sẻ dữ liệu..., Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, nhiệm vụ xây dựng luật pháp liên quan là vô cùng quan trọng, phải đi trước một bước, thậm chí nhiều bước, mang tính “đón đầu” xu thế phát triển của thế giới. Nếu chúng ta không chủ động và sẵn sàng triển khai những đề án có liên quan, cùng sự vận hành, chuyển động song song của tất cả các bộ, ngành, địa phương thì sẽ có nguy cơ gây ra sự lãng phí, thiếu hiệu quả trong đầu tư, vận hành bộ máy ở các cấp.
Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong phát biểu tham luận đều nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đề án 06 cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an trong triển khai Đề án 06, chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Hiệu quả mà những mô hình ứng dụng của Đề án 06 mang lại đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các bộ, ngành, địa phương, đem lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân và xã hội.
Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...