Đa số ĐBQH tán thành tên gọi Luật Căn cước và Thẻ Căn cước, tích hợp thông tin vào thẻ

Thứ tư - 25/10/2023 05:13
ANTD.VN - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh, đến thời điểm này, đa số ý kiến ĐBQH, Đoàn ĐBQH và thành viên UBTVQH tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước…
Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Căn cước sáng 25-10 ảnh 1

Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Căn cước sáng 25-10

Sáng nay, 25-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo đầy đủ số 666/BC-UBTVQH15 về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước gửi đến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Chính phủ đã có Báo cáo số 599/BC-CP ngày 23/10/2023 thống nhất với Báo cáo giải trình này.

Theo đó, về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ căn cước, đa số ý kiến ĐBQH, Đoàn ĐBQH và thành viên UBTVQH tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến tán thành giữ nguyên tên Luật Căn cước công dân và tên thẻ căn cước công dân như Luật hiện hành.

Ông Tới nêu rõ, UBTVQH nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên Thẻ Căn cước và cho rằng: việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta.

Hơn nữa, tên gọi này cũng phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.

Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân. Việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân.

“Trên cơ sở đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ tên Luật Căn cước và tên thẻ căn cước như Chính phủ trình” – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình) và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16 dự thảo Luật Chính phủ trình), ông Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin.

Cũng có ý kiến đề nghị phân loại các trường thông tin bảo đảm logic, khoa học, thuận tiện; ý kiến khác đề nghị cân nhắc các trường thông tin bảo đảm tính ổn định, thường xuyên.

UBTVQH cho rằng, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết; đồng thời dự thảo Luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước (Điều 19 dự thảo Luật Chính phủ trình), một số ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành, chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, không trùng lắp; cân nhắc một số thông tin chưa phù hợp; đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.

Ông Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH nhấn mạnh các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan;

Đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh sửa một số trường thông tin tại khoản 2, bổ sung khoản 3 quy định cụ thể về thông tin được mã hoá, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước như dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp và khả thi.

Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước (Điều 23 dự thảo Luật Chính phủ trình), UBTVQH nêu rõ, dự thảo Luật chỉ quy định tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên và để thuận tiện cho người dân trong các giao dịch hành chính, dân sự; đồng thời giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tích hợp các giấy tờ khác để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, phù hợp với việc xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thực hiện chuyển đổi số ở nước ta.

“Vì vậy, quy định như dự thảo Luật về việc tích hợp một số loại thông tin vào thẻ căn cước là phù hợp” – ông Lê Tấn Tới báo cáo.

Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy

Nguồn tin: ANTĐ

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,807
  • Tháng hiện tại415,874
  • Tổng lượt truy cập4,377,588
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây