Hiệu quả mô hình quản lý trường học xác thực thông tin giáo viên và học sinh tại Hà Nam

Thứ năm - 14/03/2024 23:56
Để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đã gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện mô hình “Hệ thống quản lý trường học; xác thực thông tin giáo viên và học sinh; cho phép giáo viên đăng nhập bằng tài khoản VNeID (SSO); quản lý điểm, lịch học, …” tới 100% các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn huyện. Sau hơn 05 tháng đi vào hoạt động (từ tháng 10/2023 đến nay), mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm áp lực quản lý hồ sơ, sổ sách thủ công, tiết kiệm thời gian, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Huyện Thanh Liêm (Hà Nam) hiện có 51 trường học với 849 lớp và gần 26.600 học sinh thuộc 3 cấp: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở. Với mục tiêu xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý trường học, xác thực thông tin học sinh, giáo viên trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, thời gian qua, Công an huyện Thanh Liêm đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và đơn vị chức năng có liên quan tham mưu Huyện ủy, UBND huyện, Tổ Công tác Đề án 06 huyện Thanh Liêm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 nói chung và mô hình “Hệ thống quản lý trường học; xác thực thông tin giáo viên và học sinh; cho phép giáo viên đăng nhập bằng tài khoản VneID (SSO); quản lý điểm, lịch học, …” trên địa bàn toàn huyện nói riêng.
1
Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm, Công an huyện Thanh Liêm thăm quan mô hình.
Tiết kiệm thời gian, tiện ích, dễ dàng sử dụng
 Đây là mô hình số 31 thuộc Đề án 06 của Chính phủ, nhằm hướng tới xây dựng một môi trường kỹ thuật số an toàn, bảo mật thông tin liên quan đến việc học tập, giảng dạy và quản lý. 
 Với thao tác đơn giản, nhà trường, giáo viên chỉ cần đăng nhập ứng dụng quản lý trường học bằng tài khoản VNeID (SSO), có các tính năng như: thu thập, quản lý dữ liệu về trường học, lớp học, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, nhân viên, người học, chương trình giáo dục, cơ sở vật chất trường học và các dữ liệu liên quan khác như thông tin tài chính (nguồn thu, chi)... để tìm hiểu thông tin. Giải pháp này thay thế thủ tục ghi chép hồ sơ thủ công, tất cả các dữ liệu được cập nhập trên hệ thống phần mềm, giúp nhà trường quản lý khoa học, tiện lợi cho việc khai thác thông tin..., học sinh cũng được tiếp tận công nghệ số và được cung cấp những trải nghiệm học tập tốt hơn.
 
Ghi nhận thực tế tại Trường THCS Thanh Hương, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) qua thực tiễn triển khai mô hình, Ban lãnh đạo nhà trường và toàn thể giáo viên, học sinh đều phấn khởi hưởng ứng và có chung nhận xét về tính năng, tác dụng, sự hiện đại và những tiện ích thiết thực của mô hình. 
2
Học sinh phấn khởi trải nghiệm học tập trên môi trường số.
Ông Lương Văn Luật - Hiệu trưởng trường THCS Thanh Hương cho biết: Hiện nay nhà trường đã lắp đặt thử nghiệm hệ thống Camera AI tự động điểm danh giúp kiểm soát và quản lý an ninh ra vào được thuận tiện. Các công tác nghiệp vụ quản lý như: tra cứu, cập nhật bổ sung thông tin học sinh, giáo viên nhanh chóng trên nền tảng trực tuyến, thuận tiện trong quản lý; học sinh cũng được tiếp cận công nghệ số và được cung cấp những trải nghiệm học tập tốt hơn. Đặc biệt, qua mô hình Nhà trường đã xây dựng 01 Dự án tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Hà Nam năm 2023-2024 với đề tài “Phát triển văn hóa đọc cho học sinh trường Tiểu học và trường THCS gắn với chuyển đổi số” đạt giải Nhất cấp tỉnh và được lựa chọn tham dự cấp Quốc gia. 
Tại trường THCS Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, việc triển khai thực hiện mô hình cũng nhận được đánh giá, sự hài lòng của nhà trường. Trường đã thực hiện thu nộp học phí và các khoản thu qua tài khoản (không dùng tiền mặt). Các giáo viên tích cực sử dụng các phềm mềm trên môi trường số... góp phần nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục.
 Thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục
 Việc triển khai mô hình “Hệ thống quản lý trường học; xác thực thông tin giáo viên và học sinh; cho phép giáo viên đăng nhập bằng tài khoản VNeID (SSO); quản lý điểm, lịch học, …” là một bước đột phá mới trong chuyển đổi số ngành giáo dục, giúp các nhà trường, cơ sở giáo dục thuận tiện trong việc thu thập, quản lý dữ liệu về trường học, lớp học... nhanh chóng, kịp thời, an toàn, bảo mật. Bên cạnh đó giúp giảm áp lực quản lý hồ sơ, sổ sách thủ công, tiết kiệm thời gian, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. 
3

Đại diện lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm phấn khởi trao đổi về những tiện ích mô hình mang lại.
 
Bà Trần Thị Phương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết: Quá trình triển khai, ngành giáo dục xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và là nhiệm vụ chính trị chung, do vậy ngành đã tổ chức họp Ban lãnh đạo các trường trong toàn huyện; tập trung tuyên truyền về tính năng, lợi ích của mô hình đến tất cả các cơ sở giáo dục, học sinh, phụ huynh. 
Đến nay, 51/51 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đã đồng bộ triển khai mô hình này. Sau 05 tháng triển khai bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đánh giá cao, giúp nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, cung cấp những trải nghiệm học tập tốt hơn, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây