Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: "Luật Căn cước đã thông qua, cần làm sao thực hiện hiệu quả"

Thứ ba - 06/02/2024 07:22
Chiều 6/2, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, tổ chức Hội thảo lần thứ nhất về đánh giá giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn Cước mới, có hiệu lực từ 1/7.

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết quá trình triển khai 3 hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống sản xuất, cấp Căn cước công dân và hệ thống định danh xác thực điện tử đã triển khai được các bước đi cơ bản, đúng với tình hình thực tiễn ở Việt Nam và thế giới, giúp rút gọn các thủ tục hành chính, thân thiện với người dân.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói phục vụ quản lý dân cư, đấu tranh phòng chống tội phạm, thiên tai thảm họa, tìm kiếm tung tích nạn nhân. 

Điển hình như Ấn Độ đã cấp thẻ định danh cho hơn 1,3 tỷ công dân chứa thông tin vân tay, mống mắt, ảnh mặt hay sinh trắc học giọng nói.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: 'Luật Căn cước đã thông qua, cần làm sao thực hiện hiệu quả'- Ảnh 1.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Huy.

Ở Việt Nam, đã từng bước tiếp cận, tuy nhiên còn nhiều khó khăn về tính pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, khi đưa ra những quy định áp dụng sinh trắc học, cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, Luật Căn cước đã được thông qua và hiện nay cần bàn để thực hiện như thế nào cho hiệu quả. Trong quá trình xây dựng các quy định, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội được giao thực hiện và sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung : Đối tượng ưu tiên triển khai (Luật Căn cước khẳng định người dân được tự nguyện), nhóm phòng chống tội phạm có phải bắt buộc áp dụng sinh trắc học hay không? Ứng dụng sẽ cung cấp là gì? Giải pháp công nghệ triển khai như thế nào? Phương án lấy mẫu ra sao (lấy mẫu máu, nước bọt…)? thời gian lưu trữ; giải pháp đầu tư…

Bày tỏ quan điểm tại hội thảo, GS Hồ Tú Bảo (Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán) cho biết, sinh trắc học là một phần số của con người, là lĩnh vực nghiên cứu khoa học và khai thác dữ liệu để khẳng định được các danh tính. Trong quá trình triển khai, GS Bảo lưu ý cần phải đo đạc được mẫu từng cá thể và nhận dạng ra sao. 

Theo ông, ADN có nhiều ưu điểm như độ chính xác cao, không giả mạo được, nhưng lại có nhược điểm là chi phí cao. Trong khi đó, sinh trắc học qua giọng nói thì chi phí thấp, dễ dàng sử dụng và thiết bị áp dụng đơn giản hơn, nhưng lại có nhược điểm có thể bị giả mạo và môi trường ngôn ngữ có thể bị ảnh hưởng. Cùng với đó, sinh trắc qua mống mắt thì chi phí trung bình nhưng yêu cầu các thiết bị phức tạp và chi phí cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: 'Luật Căn cước đã thông qua, cần làm sao thực hiện hiệu quả'- Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: X.H.

Ông Nông Văn Hải (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) cho rằng, việc lựa chọn giải pháp sinh trắc học như nào cũng cần lựa chọn để tính cho phù hợp với chi phí, tính thuận lợi và tính bảo mật. Theo ông Hải, từ nay tới trước khi Luật Căn cước có hiệu lực thì cần có đề án để phân công rõ ràng về nguồn lực, hội đồng liên quan tới vấn đề đạo đức khi lấy mẫu. Trong khi đó, về nguồn lực đầu tư thực hiện các giải pháp, ông Hải đề xuất có thể lấy từ ngân sách nhà nước, từ nguồn lực xã hội hóa và nguồn ủng hộ của quốc tế (nếu có).

"Đây là công việc lâu dài, ảnh hưởng tới toàn xã hội, liên quan tới vị thế khoa học công nghệ quốc gia của Việt Nam. Tôi nghĩ cần tham khảo thêm các nước trên thế giới xem họ làm như thế nào", ông Hải nêu quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: 'Luật Căn cước đã thông qua, cần làm sao thực hiện hiệu quả'- Ảnh 3.

Các nhà khoa học đưa ra quan điểm tại buổi hội thảo. Ảnh: X.H.

Tiếp tục đưa ra các quan điểm, giải pháp để áp dụng sinh trắc học vào cơ sở dữ liệu căn cước, ông Nguyễn Đức Công (Bệnh viện Thống nhất TP.HCM) cho rằng, việc áp dụng ADN vào căn cước là một giải pháp, chứ không phải là tất cả, và dữ liệu ADN theo cách hiểu của ông Công là chủ yếu trong phòng chống tội phạm. Do đó, quá trình thực hiện cần thu thập gen như thế nào đối với những người có từng cơ địa khác nhau, bởi mỗi người có cơ địa khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau, có thể sinh ra bệnh này, bệnh kia. Ông Công ủng hộ việc thu thập gen qua hình thức lấy mẫu máu. Quá trình chia sẻ ý kiến, ông Công bày tỏ một vài băn khoăn rằng, đây là "giải pháp" tốn tiền, nên cần nghiên cứu thêm.

  • Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 cho biết, từ ngày 1/7/2024 khi Luật Căn cước có hiệu lực, về lý thuyết thì nếu người dân có yêu cầu, sẽ được tích hợp ADN trong căn cước mới. Theo ông Tấn, qua tìm hiểu từ các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc, đều áp dụng ADN trong căn cước, dữ liệu về ADN.

    Cũng theo ông Tấn, trên thế giới, cũng cho phép chia sẻ dữ liệu về sinh trắc (Hiệp ước châu Âu) trên tinh thần tự nguyện và phục vụ cho công tác tìm kiếm, tội phạm. Tại Mỹ, Đạo luật Định danh cũng khẳng định nội dung trên. Tại Việt Nam, Luật Căn cước vừa qua cũng đưa ADN vào trong luật.

    Tiếp đó, nhìn rộng ra, châu Âu cũng cho phép 20 địa chỉ gen vào trong dữ liệu. Ở Việt Nam đang tiến hành xây dựng 30 địa chỉ gen vào căn cước.

Nguồn tin: Báo Dân Việt

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay23,809
  • Tháng hiện tại627,168
  • Tổng lượt truy cập6,260,865
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây