Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018; ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020. Có thể nói, việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, một số quy định của Luật bộc lộ những hạn chế, bất cập không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Để tháo gỡ khó khăn, bất cập của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật theo đúng trình tự, thủ tục Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 28/9/2023 Chính phủ họp thông qua và ban hành Nghị quyết số 165 ngày 06/10/2023, trong đó, đã thống nhất với 04 chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và cơ quan có liên quan hoàn thiện hồ sơ theo hướng: (1) Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, phân biệt rõ trong khái niệm dao có tính sát thương cao với dao sử dụng cho mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt để có cơ chế quản lý phù hợp, khả thi, tránh gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; (2) Tiếp tục rà soát thủ tục hành chính trong cấp phép, nghiên cứu cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết trong hồ sơ cấp phép, xem xét bổ sung quy định thực hiện thủ tục qua môi trường mạng bảo đảm quản lý hiệu quả, khả thi, thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện; (3) Rà soát các nội dung chính sách bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học tham gia ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Mục tiêu tổ chức Hội thảo nhằm tạo sự thống nhất nhận thức về tính chất nguy hiểm của các loại súng tự chế (súng bắn đạn ghém, súng nén gas, súng nén hơi), các loại vũ khí thô sơ, dao có tính sát thương cao và tội phạm sử dụng các loại vũ khí này để gây án, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và xã hội (Theo số liệu thống kê trong 5 năm qua đã phát hiện, bắt giữ 14.804 vụ, 22.532 đối tượng chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ, trong đó, 3.529 vụ, 6.827 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí thô sơ; 5.431 vụ, 8.277 đối tượng sử dụng trái phép các loại dao, kiếm, búa, rìu…), ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nên cần phải quy định chặt chẽ, có chế tài xử lý, có sức răn đe, giáo dục góp phần ngăn chặn, phòng ngừa với loại tội phạm này từ sớm, từ xa; đồng thời, sửa đổi, bổ sung, cắt giảm các thủ tục hành chính, quy định công tác quản lý, cấp giấy phép nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận tham gia ý kiến vào các chính sách nhằm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) các ý kiến đều thống nhất với các chính sách dự kiến sửa đổi và làm rõ thêm những lý luận, khoa học, thực tiễn và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện các quy định của pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, đó là: (1) Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ; khái niệm và biện pháp quản lý dao có tính sát thương cao; (2) Cắt giảm, đơn giản hóa giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; (3) Cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam; (4) Sửa đổi bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Kết luận Hội thảo: Đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao ý kiến tham gia của các đại biểu, đồng thời giao Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan cập nhật, bổ sung số liệu có liên quan làm cơ sở xây dựng các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cho đầy đủ, chặt chẽ, chính xác và khách quan. Đồng thời, tiếp tục khảo sát thực tế, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là các nước có hệ thống pháp luật và các điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng với nước ta, trong đó có nhóm các nước đã luật hóa và thực hiện hiệu quả trong quản lý đối với các loại súng tự chế, linh kiện vũ khí và các loại dao; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và phối hợp với Bộ Tư pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024)./.