Lừa đảo trực tuyến liên quan đến tài chính chiếm tới gần 73%
Mới đây, bằng cách giả danh nhân viên gìn giữ hòa bình cần nhờ người nhận hộ tiền gửi từ nước ngoài về Việt Nam, đối tượng lừa đảo đã lừa chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của một phụ nữ ở Bình Phước.
Cụ thể, một phụ nữ tại Bình Phước đã nhận được lời mời kết bạn và nhắn tin làm quen từ một tài khoản Facebook tên Yadni Bentos. Sau khi trò chuyện, đối tượng cho biết hiện đang làm nhân viên cho Chính phủ Mỹ tham gia gìn giữ hòa bình ở Syria, có bố ruột là người Việt Nam nhưng đã mất.
Đồng thời, đối tượng lừa đảo cũng cho biết bố mình trước khi chết có để lại số tiền 600.000 USD, đối tượng sẽ gửi số tiền được bố để lại về Việt Nam đầu tư. Vài ngày sau, đối tượng chụp hình hộp tiền và giấy xác nhận gửi hàng về Việt Nam cho nạn nhân.
Đến ngày 5/5, người phụ nữ này nhận được một cuộc điện thoại tự xưng nhân viên Công ty giao hàng nói bà phải đóng phí thông hải quan với số tiền 52 triệu đồng để nhận thùng hàng được gửi từ nước ngoài, người phụ nữ này đã chuyển khoản cho đối tượng 52 triệu đồng.
Sau đó, đối tượng tiếp tục điện thoại nói phải đóng thuế hải quan với số tiền 130 triệu đồng.
Do lo sợ bị mất số tiền trong thùng hàng, người phụ nữ này trong 2 ngày 7 và 8/5, đã liên tiếp làm theo yêu cầu của đối tượng, chuyển khoản số tiền hơn 1 tỷ đồng để hoàn thành thủ tục xin giấy xác nhận và bảo hiểm lô hàng. Qua nhiều lần nhận được các cuộc điện thoại yêu cầu chuyển tiền từ đối tượng, nạn nhân mới nghi ngờ bị lừa đảo và trình báo với cơ quan công an.
Hình thức lừa đảo giả danh người khác và nhờ nhận hộ tiền, quà từ nước ngoài gửi về là thủ đoạn không mới, đã được các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo người dùng Internet Việt Nam.
Để phòng tránh bị “sập bẫy” lừa đảo trong trường hợp tương tự kể trên, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị người dân nên hạn chế làm quen, kết bạn với các đối tượng lạ trên mạng xã hội; cảnh giác với những lời mời chào tham gia đầu tư, chuyển khoản hộ... từ các đối tượng lạ.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời thường xuyên xuất hiện những hình thái mới, tinh vi hơn.
Đặc biệt, việc các đối tượng lừa đảo tận dụng những tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật đang khiến cho nhiều người dùng khó nhận diện hơn với các “bẫy” lừa đảo trực tuyến.
Thống kê cho thấy, chỉ riêng trong năm 2023, hệ thống canhbao.khonggianmang.vn do Cục An toàn thông tin vận hành, đã nhận được gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến.
Cũng trong khoảng thời gian này, theo Bộ Công an, cơ quan chức năng đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, với tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo là 8.000 - 10.000 tỷ đồng.
Không gian mạng Việt Nam có 26 hình thức lừa đảo trực tuyến đang diễn ra thường xuyên, nhằm vào các đối tượng sinh viên, người lao động thu nhập thấp, phụ huynh, người cao tuổi…
Trong đó, lừa đảo liên quan đến tài chính chiếm tới gần 73%. Các vụ lừa đảo thường xảy ra rất nhanh, dòng tiền sẽ nhanh chóng được chuyển đi, bị mất dấu và hoàn toàn không thể lấy lại.
Đáng chú ý, phương thức tiếp cận chủ yếu của các đối tượng lừa đảo là mạng xã hội, chiếm tới hơn 56%, tiếp đó là mạng viễn thông (29,3%) và thư điện tử, tin nhắn (10,5%), còn phương thức trực tiếp chỉ chiếm 4,1%.
Hàng nghìn GB dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép
Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, hiện Việt Nam có gần 80 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới hơn 2/3 dân số, đứng thứ 7 thế giới.
Tuy vậy, nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng còn hạn chế; nhiều thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính được đăng tải công khai, trở thành nguồn dữ liệu cho các chương trình thu thập thông tin tự động.
Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Nhiều dịch vụ trên không gian mạng mới xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, dữ liệu cá nhân như mạng xã hội, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến... nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết thêm, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng.
Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.
Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý… Các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho đối tác khác.
Các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán.
Việc buôn bán dữ liệu cá nhân được tiến hành có hệ thống, có tổ chức, cam kết “bảo hành” và có khả năng cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua.
Đặc biệt, nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn. Việc mua bán không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.
Một số công ty xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân, cài ẩn trong các trang mạng thu thập tự động, phân tích thành tệp dữ liệu cá nhân có giá trị; tán phát mã độc; tổ chức tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân…
Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn GB dữ liệu, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Năm 2023, Bộ Công an đã chủ động phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng.
Từ tình hình trên, theo lãnh đạo Bộ Công an, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang trở nên cấp bách và cần thiết. Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự kiến sẽ trình dự thảo xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quý II.
Không gian mạng Việt Nam có 26 hình thức lừa đảo trực tuyến đang diễn ra thường xuyên, nhằm vào các đối tượng sinh viên, người lao động thu nhập thấp, phụ huynh, người cao tuổi… Trong đó, lừa đảo liên quan đến tài chính chiếm tới gần 73%. Đáng chú ý, phương thức tiếp cận chủ yếu của các đối tượng lừa đảo là mạng xã hội, chiếm tới hơn 56%, tiếp đó là mạng viễn thông (29,3%) và thư điện tử, tin nhắn (10,5%), còn phương thức trực tiếp chỉ chiếm 4,1%. |
Tác giả: BÁO DÂN TRÍ
Nguồn tin: dantri.com.vn:
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...