Các website xem bóng đá lậu tràn lan
Hiện nay, để xem những trận đấu bóng đá không còn là điều quá khó khăn, bởi ngày càng xuất hiện nhiều các trang phát bóng đá lậu, không có bản quyền. Chỉ cần lên google gõ từ khóa “xem bóng đá online”, “xem bóng đá trực tuyến”… sẽ cho ra hàng loạt những website phát các trận bóng trực tiếp. Điều đặc biệt, các trang xem bóng đá này có đầy đủ các trận bóng từ các giải vô địch châu Âu, châu Á cho đến châu Mỹ.
Anh Trương Văn Bình (Hà Đông, Hà Nội) là một fan đích thực của các trang bóng đá lậu, anh thường xuyên sử dụng điện thoại di động để xem các trận bóng mà không cần quan tâm đến bản quyền. Anh Bình cho biết: “Những ngày cuối tuần, tôi thường xuyên theo dõi các trận bóng qua điện thoại di động. Dù nhiều giải đấu được các đơn vị ở Việt Nam mua bản quyền và phát trên nền tảng riêng nhưng tôi chủ yếu vẫn xem trên các website lậu. Đơn giản vì không cần đăng nhập tài khoản như truyền hình trả phí”.
Quả đúng như vậy, khi gõ từ khóa “trực tiếp bóng đá”, bên cạnh những kết quả như VTV, FPT Play, hàng loạt các địa chỉ như xoilac, socolive, vebo… xuất hiện ngay ở kết quả đầu tiên. Các nội dung được lấy từ nguồn nước ngoài, sau đó chèn logo của trang cũng như hình ảnh quảng cáo cho các dịch vụ cá cược bóng đá.
Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trang “Xoilac Tv” là một trong những website xem bóng đá được nhiều người ưa chuộng nhất. Tại đây có đầy đủ các trận đấu của khắp các châu lục… Người xem có nhu cầu xem trận đấu nào có thể click vào rất dễ dàng. Điều đặc biệt, đây là trang web được nhiều người đánh giá là ổn định về đường truyền nhất, thậm chí hơn cả những trang xem bóng đá có bản quyền. Người xem không chỉ được thưởng thức những trận bóng có đường truyền tốt, hình ảnh siêu nét mà còn được nghe bình luận trận đấu của bình luận viên chuyên nghiệp không kém gì các nhà đài nổi tiếng.
Anh Nguyễn Công Dũng (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi và bạn bè thường xuyên xem “Xoilac” đơn giản vì hình ảnh và âm thanh rất tốt. Tôi cũng nghe nói đây là web lậu nhưng vì truy cập rất dễ dàng, lại có đội ngũ bình luận viên chuyên nghiệp. Chỉ có một điều khiến nhiều người thấy khó chịu chính là web này liên tục chèn quảng cáo, mà quảng cáo chủ yếu là các banner dẫn link đến các trang cá độ. Không những vậy, trong lúc bình luận diễn biến trận đấu, các bình luận viên cũng không quên quảng cáo cho các trang web cá độ”.
Tháng 1/2024, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công bố 403 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật năm 2023. Trong đó có tới 6 trang web của “Xoilac TV”, đây là trang chuyên phát lậu các giải thể thao quốc tế trên Internet từ năm 2016, được phát triển bởi một nhóm ẩn danh.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong số các trang web vi phạm bản quyền trên không gian mạng, "Xoilac TV" là đơn vị vi phạm bản quyền trắng trợn nhất. Trong khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không phát hành sản phẩm quảng cáo trên các trang vi phạm này.
Tương tự các trang web khác như “tructiepbongdaz.live”, “Livebong.tv”, scocolive”, “thevang.net”, “trongtai.net”… cũng có đầy đủ trận đấu, các giải đấu trên khắp thế giới. Tuy nhiên về đường truyền không được chất lượng, đặc biệt là không có bình luận viên tiếng Việt. Một điểm chung của các trang web này đều có các banner quảng cáo cá độ bóng đá trực tuyến và một số trò chơi cờ bạc đỏ đen khác.
Tại trang “thevang.net”, phóng viên click vào baner bên phải màn hình, ngay lập tức dẫn đến một trang cá độ bóng đá trực tuyến có tên: https://www.fb88laliga.com. Tại đây người dùng nhận được lời giới thiệu là “trang web cá cược hàng đầu châu Âu và dẫn đầu ngành cá cược quốc tế”.
Trang web này quảng cáo: “Chúng tôi cung cấp những giải đấu lớn như: Ngoại hạng Anh, vô địch Tây Ban Nha La Liga, Serie A Ý, Vô địch UEFA, Vô địch quốc gia Pháp, Đức, NFL, NBA, NCAA, Bóng rổ Nữ, Quần vợt, Đua xe F1. Chúng tôi hân hạnh được đưa đến cho Quý Khách hơn 4.000 trận đấu mỗi tháng. Các trò chơi trực tuyến với nhiều cơ hội thắng giải Jackpots trong các trò chơi: Roulette, Blackjack, Poker, Slots. Nhiều giải thưởng Jackpot lũy tiến và cơ hội thắng cao hơn trong FB88”.
Sau khi quảng cáo các dịch vụ, trang web này còn không quên trấn an khách hàng với nội dung: “Với hệ thống cược vững vàng và an toàn. Sự riêng tư của quý khách là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, vì vậy chúng tôi luôn luôn tuân thủ nghiêm ngặt các chính sách bảo mật”.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của phóng viên, để “né” lực lượng chức năng, website này cũng liên tục đổi tên miền mới. Chỉ cần bỏ ra khoảng 1 phút tạo tài khoản tại website trên, nộp tiền vào tài khoản vừa tạo lập qua các hình thức như Internet Banking, ATM, hoặc trực tiếp tại ngân hàng, là người chơi đã có thể thoải mái đặt cược, cá độ với các hình thức cá cược đa dạng mà trang web này mời chào.
Trước thềm giải bóng đá vô địch châu Âu (Euro 2024) chuẩn bị diễn ra, các trang web xem bóng đá trực tuyến lậu bắt đầu treo các banner quảng cáo ở đầu trang chủ, kèm theo là tỷ lệ đặt cược rất cụ thể để người chơi “cược ngay”. Không những vậy, nhiều trang còn có các chương trình khuyến mại như tặng 100% tối đa 10 triệu đồng cho lần nạp tiền đầu tiên; tặng 30% tối đa 15 triệu cho lần thứ 2 trở đi...
Ngoài các trang web, trên mạng xã hội Facebook, các hội nhóm liên quan tới cá độ bóng đá cũng hoạt động rầm rộ, mời chào công khai, có nhiều hội nhóm có tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia.
Nhiều rủi ro xem bóng đá trên web lậu
Nói về phương thức của các website ăn cắp bản quyền truyền hình, ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo cho biết: Phương thức chính là họ “đẩy SEO lên top Google nhằm lôi kéo lượng truy cập, sau đó nhận quảng cáo cho kênh cờ bạc, lừa đảo.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân của việc xuất hiện tràn lan các trang web này là do không được quản lý, các trang này tồn tại nhiều vấn đề tương tự các web "đen", như quảng cáo cờ bạc, dịch vụ phạm pháp, hoặc dụ người dùng tải phần mềm chứa mã độc. Quảng cáo thường được đặt dày đặc, thậm chí khung pop-up hiện ra trong quá trình xem, yêu cầu người dùng click vào nếu muốn xem tiếp. “Ví dụ như kênh Xoilac từng đặt một quảng cáo cho trang “Worldcup 20”, dụ người dùng truy cập, nhưng thực chất là trang phát tán mã độc”, ông Hiếu cho biết thêm.
Thực tế, phần lớn các kênh phát nội dung lậu đều từng bị phát hiện và chặn tại Việt Nam. Tuy nhiên, tương tự web phim lậu trước đây, do chỉ bị chặn tên miền, người đứng sau chỉ cần tạo tên miền mới là có thể hoạt động trở lại. Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông từng cảnh báo và chặn hàng loạt trang web như xoilac3, xoilac8, 91phutz, vebo2... do cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng... Tuy nhiên sau đó, những trang này chỉ thay vài ký tự trong tên miền và tiếp tục hoạt động. Ngoài bản web, một số còn phát hành ứng dụng để tránh bị chặn.
Ngoài các vấn đề an toàn thông tin, việc nở rộ web lậu còn ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội xem các giải đấu lớn trong tương lai. Là đơn vị mua bản quyền phát sóng nhiều giải lớn tại Việt Nam, đại diện FPT Play cho biết việc các website, ứng dụng phát sóng lậu các nội dung do đơn vị này sở hữu bản quyền khiến họ đối mặt với thiệt hại về chi phí, trong khi nguồn đầu tư ban đầu lớn.
Chia sẻ về vấn đề bản quyền, bà Tô Nam Phương, Phó tổng giám đốc FPT cho biết, đơn vị này phải đối mặt với việc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ bản quyền và gặp khó khăn hơn trong đàm phán với đối tác những năm tiếp theo. Điều này đẫn đến việc khán giả sẽ là người bị ảnh hưởng trực tiếp vì mất cơ hội xem nội dung thể thao, phim ảnh một cách chính thống và chất lượng.
Theo bà Phương, cần có phương án phối hợp với các nhà mạng để rút ngắn thời gian chặn web, ứng dụng phát sóng lậu, thêm chế tài đối với các đơn vị chi ngân sách quảng cáo trên trang phát sóng lậu. Ngoài ra, người dùng cần nâng cao việc tôn trọng bản quyền, hạn chế tiếp tay cho hành vi ăn cắp bản quyền.
Tại buổi họp báo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết trong năm 2023, Cục đã cùng Cục An toàn thông tin đã chặn tổng cộng 162 trang web vi phạm. Nếu tính cả các trang web thay đổi tên miền thì rất nhiều, lên tới gần nghìn trang. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cơ quan quản lý. Bởi lẽ, ngay khi bị chặn tên miền, các kênh này liền đổi địa chỉ IP, đổi tên miền nhanh chóng, chỉ mất 5 - 10 phút.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử dẫn ví dụ web lậu vi phạm bản quyền trắng trợn nhất là Xoilac TV, với 20 tên miền khác nhau. Khi cơ quan chức năng chặn tên miền này thì rất nhanh sau đó lại có tên miền mới xuất hiện thay thế.
Bà Phạm Thanh Thủy - phụ trách chống vi phạm bản quyền của truyền hình số vệ tinh K+ cho biết, doanh nghiệp này không thể đề nghị xử lý hành chính được, cũng không thể khởi kiện dân sự. Hiện tại thì chỉ mới có giải pháp chặn tên miền chưa hiệu quả. "Chúng tôi cứ chiến đấu, cứ chặn, có domain mới chúng tôi lại chặn và chúng tôi trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước", bà Thủy nói.
Tác giả: BÁO CAND
Nguồn tin: Báo CAND: