Công bố công khai chất lượng Internet, ra mắt nền tảng phát hiện rủi ro ATTT

Chủ nhật - 02/06/2024 07:20
Công bố công khai chất lượng Internet Việt Nam hàng tháng; Ra mắt nền tảng số giúp phát hiện sớm rủi ro an toàn thông tin (ATTT)... là những thông tin công nghệ trong nước nổi bật tuần qua.

Công bố công khai chất lượng Internet Việt Nam hàng tháng

Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), ngày 29/5, cho biết đã bổ sung các thông tin về tốc độ, độ trễ mạng Internet của từng tỉnh thành, nhà cung cấp vào trang web của hệ thống đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam (Speedtest.vn).

Người dùng có thể xem thống kê về chất lượng của mạng theo từng tỉnh thành và nhà cung cấp trong 12 tháng gần nhất. 

 
CMC Telecom là doanh nghiệp viễn thông có tốc độ băng rộng cố định cao nhất. Ảnh chụp màn hình

Đây cũng là lần đầu tiên Bộ TT&TT tiến hành công bố chất lượng dịch vụ của từng doanh nghiệp.

Theo đó, trong tháng 4/2024, CMC Telecom là doanh nghiệp viễn thông có tốc độ băng rộng cố định cao nhất. Xếp ở vị trí ngay sau CMC Telecom về chất lượng băng rộng cố định là VNPT. FPT Telecom xếp thứ ba. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Viettel, Netnam, SCTV và SPT. 

Đối với Internet băng rộng di động, VNPT là nhà mạng có chất lượng Internet băng rộng di động tốt nhất tháng 4/2024. Viettel đứng ở vị trí thứ 2. Vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về MobiFone, Vietnamobile.

Trên bình diện cả nước, tốc độ download trung bình băng rộng cố định trong tháng 4/2024 được ghi nhận ở mức 106.43 Mbps, tốc độ upload trung bình băng rộng cố định đạt 103.28 Mbps.

Đối với chất lượng Internet băng rộng di động, trong tháng 4/2024, tốc độ download trung bình của Việt Nam được ghi nhận ở mức 41.58 Mbps, tốc độ upload trung bình là 18.28 Mbps. 

Theo Cục Viễn thông, việc công bố các số liệu về tốc độ dịch vụ truy nhập Internet nhằm nâng cao tính công khai minh bạch, lợi ích công cộng trong việc cung cấp dịch vụ. Cục Viễn thông cũng khuyến nghị người dùng thường xuyên đo tốc độ Internet đang sử dụng để kiểm tra cũng như phản ánh khi gặp vấn đề. Việc đo này có thể thực hiện qua website hoặc ứng dụng i-SPEED trên di động.

Ra mắt nền tảng số giúp phát hiện sớm rủi ro ATTT

Trong khuôn khổ phiên toàn thể của hội thảo và triển lãm an toàn không gian mạng Việt Nam - Vietnam Security Summit 2024 chủ đề ‘An toàn trong thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo’ diễn ra ngày 30/5, Cục an toàn thông tin, Bộ TT&TT đã khai trương, đưa vào vận hành chính thức Nền tảng quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin.

 
Phó Giám đốc NCSC Phạm Thái Sơn giới thiệu về 4 trụ cột chính của nền tảng số mới được ra mắt. Ảnh: BTC

Đây là nền tảng số thứ tư được Cục An toàn thông tin thiết lập để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý và triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Ba nền tảng số đã được đưa vào vận hành từ giai đoạn trước gồm có nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Nền tảng hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố; Nền tảng hỗ trợ điều tra số.

Một trong những việc Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, tổ chức chú trọng là thường xuyên, liên tục sử dụng các nền tảng hỗ trợ đảm bảo an toàn thông tin đã và sẽ được Bộ TT&TT phát triển, cung cấp miễn phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Nhà mạng phải tuân thủ đúng lộ trình tắt sóng 2G

Ngày 30/5, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã chủ trì cuộc họp với các nhà mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đã ban hành các thông tư về quy hoạch băng tần 900/1800MHz tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai lộ trình dừng công nghệ 2G. Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiêm chỉnh thực hiện, các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo chức năng và nhiệm vụ thực hiện giám sát, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tắt sóng 2G và phổ cập điện thoại thông minh.

“Căn cứ quy hoạch băng tần 900/1800MHz, Bộ TT&TT sẽ không cấp phép lại các băng tần 900/1800/ 2100MHz, nếu doanh nghiệp vẫn còn thuê bao 2G only vào ngày 16/9/2024”, Thứ trưởng khẳng định.

 
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã yêu cầu các nhà mạng phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi tiết về lộ trình dừng công nghệ di động cũ theo từng tháng, tới từng tỉnh thành. Ảnh: VT

 Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã yêu cầu các nhà mạng phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi tiết về lộ trình dừng công nghệ di động cũ theo từng tháng, tới từng tỉnh thành. Xây dựng giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ ngừng phục vụ thuê bao 2G only vào thời điểm tháng 9/2024, để đảm bảo thực hiện quy hoạch các băng tần 900/1800MHz.

Để đảm bảo quyền lợi người sử dụng, Thứ trưởng cũng lưu ý các nhà mạng phải có giải pháp hỗ trợ thuê bao chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ cao hơn, khuyến khích hỗ trợ máy smartphone để thực hiện mục tiêu phổ cập dòng điện thoại này. Bên cạnh đó, nhà mạng phải xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai vùng phủ 4G thay thế vùng phủ 2G, có đánh giá với vùng phủ từng trạm thu phát sóng 2G đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G, khi dừng hệ thống vào tháng 9/2026. 

Tuyên truyền 10 biện pháp phòng tránh bẫy lừa đảo trực tuyến phổ biến

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, Cục Thông tin cơ sở và Cục An toàn thông tin vừa phối hợp để tiếp tục triển khai tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trực tuyến trên các đài truyền thanh cơ sở và những hình thức hoạt động thông tin cơ sở khác.

 
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) thường xuyên tuyên truyền, cập nhật các thủ đoạn lừa đảo để người dân có thể nhận diện và phòng tránh. Ảnh minh họa: NCSC

Cụ thể, các sở TT&TT trên toàn quốc được đề nghị tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên đài truyền thanh cơ sở và các hình thức hoạt động thông tin cơ sở khác về phòng chống lừa đảo trực tuyến.

Bên cạnh cảnh báo về một số phương thức tội phạm mạng sử dụng để lừa đảo trực tuyến và khuyến nghị người dân cách phòng tránh, Cục Thông tin cơ sở và Cục An toàn thông tin cũng đề nghị các sở TT&TT tỉnh, thành phố tuyên truyền cho người dân về 10 biện pháp giúp họ phòng tránh lừa đảo trực tuyến phổ biến hiện nay.

10 biện pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến phổ biến bao gồm: Bảo vệ thông tin cá nhân; Kiểm tra và cập nhật; Cẩn trọng xác minh;  Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn; Trình báo cơ quan công an gần nhất; Cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch; Cẩn trọng trước lời mời chào hấp dẫn; Cẩn trọng khi cài ứng dụng, phần mềm; Quản lý đăng ký tài khoản ngân hàng; Cẩn trọng đối với các website, ứng dụng giả mạo.

Tác giả: VIETNAMNET.VN

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây