Hiện nay, trên địa bàn tỉnh việc cung cấp bữa ăn ca tại các doanh nghiệp, trường học rất phổ biến và đa dạng với nhiều hình thức khác nhau: tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn… Bên cạnh đó các cơ sở cung cấp thức ăn đường phố cũng phát triển, hình thức đa dạng. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về ATTP của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra NĐTP ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Qua các đợt thanh, kiểm tra ATTP, số cơ sở đạt thường chiếm khoảng trên 70%, còn lại khoảng trên 20% cơ sở không đạt. Năm 2023 các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP của các cấp, ngành đã thanh, kiểm tra 3.569 cơ sở/5.884 cơ sở. Kết quả kiểm tra cho thấy có 801 cơ sở không đạt; phạt tiền 997,5 triệu đồng đối với 268 cơ sở; tiêu hủy 150kg động vật (lợn) chết; khởi tố 01 vụ, 01 bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo điều 193 Bộ Luật hình sự.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024 các đoàn đã kiểm tra 930/5.884 cơ sở, phát hiện có 120 cơ sở vi phạm (18 cơ sở phải xử lý gồm: 02 cơ sở sản xuất thực phẩm, 09 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 07 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống). Và vừa qua, ngày 9/4/2024, qua kiểm tra các đơn vị chức năng đã phát hiện gần 110 kg giò, chả sử dụng chất cấm tại cơ sở sản xuất giò, chả Nam Hòa ở xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng.
Trên địa bàn tỉnh cũng có xảy ra NĐTP. Năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ NĐTP tại bếp ăn tập thể Công ty cổ phần Elmich (Cụm Công nghiệp An Mỹ - Đồn Xá, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục) với tổng số người ăn là 280 người, số người ngộ độc 43 người, số người đi viện 22 người, may mắn không có người tử vong. Nguyên nhân ngộ độc do độc tố Staphylococcal enterotoxin trong mẫu rau muống luộc. Cơ quan chức năng đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với Công ty cổ phần Elmich với tổng số tiền 177 triệu đồng. Số ca NĐTP lẻ tẻ toàn tỉnh trong năm là 23 người. Cũng năm ngoái trên địa bàn thành phố Phủ Lý có một ca ngộ độc rượu cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân ở phường Châu Sơn, ngộ độc Methanol trong rượu (nồng độ Methanol trong máu là 123mg/dl, trong khi đó nồng độ Methanol trong máu từ 20mg/dl đã gây ngộ độc). Nguồn rượu bệnh nhân uống chưa xác định được rõ nguồn gốc. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội 2024 toàn tỉnh cũng ghi nhận 06 ca ngộ độc lẻ tẻ. Ngoài ra, còn những ca NĐTP ở mức độ nhẹ đã tự mua thuốc điều trị tại nhà, không đến các cơ sở y tế nên không ghi nhận được trong hệ thống.
Trước thực tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra NĐTP trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 781/UBND-VXNV ngày 07/5/2024 về ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh cũng có Công văn số 619/BCĐLNATTP ngày 08/5/2024 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP. Để tăng cường quản lý, bảo đảm ATTP, Sở Y tế có công văn chỉ đạo về việc tiếp tục tăng cường bảo đảm ATTP, phòng chống NĐTP tại các bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố.
Theo đó, để chủ động bảo đảm ATTP, ngăn ngừa NĐTP trên địa bàn tỉnh công tác tuyên truyền tiếp tục được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống và của lãnh đạo các doanh nghiệp, trường học có bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện ATTP đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người chế biến, kinh doanh thực phẩm; quy định về nguồn gốc, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm...; các hành vi cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh thực phẩm...
Các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm cần lựa chọn và ký hợp đồng với nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm có đầy đủ thủ tục pháp lý về ATTP theo quy định. Huy động sự phối hợp của cán bộ y tế trường học, doanh nghiệp trong việc giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến tại các bếp ăn tập thể, kiên quyết không sử dụng nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ không bảo đảm ATTP. Kiểm soát các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, hỗ trợ nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực trường học, doanh nghiệp (nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, việc chấp hành các quy định về đăng ký, tự công bố sản phẩm, quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phát sản phẩm…). Trường hợp phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không bảo đảm an toàn cần tạm ngừng sử dụng sản phẩm và thông báo ngay cho cơ quan chức năng.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cũng cần trang bị những kỹ năng cần thiết trong tiêu dùng, chế biến, bảo quản thực phẩm, nhất là trong mùa hè. Đặc biệt chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP, vừa bảo vệ sức khỏe cho mọi người và cũng là bảo vệ sản xuất, kinh doanh của mình.
Tác giả: BÁO HÀ NAM
Nguồn tin: baohanam.com.vn:
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...