Đường “lậu” lại nóng

Thứ hai - 10/06/2024 21:44
Liên tục trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ hàng trăm tấn đường nhập lậu, chủ yếu do Thái Lan sản xuất khi đang vận chuyển vào sâu trong nội địa. Đây là mối đe dọa với các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước.

Chỉ trong vòng 5 ngày (4-8/6/2024), lực lượng QLTT tỉnh Quảng Trị đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 3 vụ việc kinh doanh đường cát nhập lậu với tang vật vi phạm bị thu giữ là 16 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất.

Đường “lậu” lại nóng -0
Lực lượng chức năng tạm giữ đường nhập lậu xuất xứ Thái Lan.

Thông tin từ Cục QLTT Quảng Trị cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 29 vụ việc kinh doanh đường cát nhập lậu với tổng số tang vật vi phạm hành chính là 67,4 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất nhập lậu có trị giá hơn 1,2 tỷ đồng; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước trên 2 tỷ đồng.

Trên thực tế, các tháng đầu năm nay, không chỉ tại Quảng Trị, lực lượng liên ngành các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An… cũng thu giữ hàng chục nghìn tấn đường nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Tổng lượng hàng hóa bị tạm giữ lên tới hàng trăm nghìn tấn. Con số này cho thấy nạn buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới nói chung và mặt hàng đường cát nói riêng đang “nóng” trở lại sau một thời gian tạm thời im ắng.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 10/6, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) Nguyễn Văn Lộc cho biết, đường lậu không chỉ gây thất thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước mà còn tác động tiêu cực lên đời sống của bà con nông dân đang hàng ngày trồng cây mía làm nguyên liệu sản xuất đường, tạo lực cản kìm hãm tốc độ phát triển của nền sản xuất trong nước.

“Ngành đường Việt Nam đang phải đấu tranh để sinh tồn. Trong bối cảnh sức cầu đường kém do ảnh hưởng chung của kinh tế, lượng đường lỏng siro ngô nhập khẩu gia tăng càng làm thu hẹp thị phần đường từ mía trong ngành nước giải khát. Đường làm từ mía còn phải chịu áp lực ép giá kìm giá của các loại đường lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm đường nhập lậu và đường gian lận xuất xứ - đây đều là những loại đường giá rẻ vì có bản chất là đường phá giá xuất xứ Thái Lan”, ông Lộc cho hay.

Đặc biệt, “hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng nổ những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thể hiện qua khối lượng kỷ lục đường lậu (nguồn gốc Thái Lan) bị các cơ quan chức năng phát hiện trong những tháng đầu năm 2024, đã bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía, khiến đường các nhà máy không bán được phải tồn kho. Chuỗi liên kết mía đường đang đứng trước mối nguy cơ bị hủy hoại”, ông Lộc nhấn mạnh.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành mía đường tập trung củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường; xây dựng thị trường đường lành mạnh phát triển hài hòa; phòng, chống các hành vi gian lận thương mại đường và ổn định vùng nguyên liệu mía trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Về giải pháp chống đường nhập lậu, ông Lộc cho biết, VSSA đề xuất một số biện pháp: Nộp thuế nhập khẩu đối với đường tịch thu sau đó bán đấu giá đưa trở lại thị trường, tăng cường quản lý xuất xứ đối với đường tịch thu đấu giá; phối hợp trong việc thông tin các vụ vận chuyển đường nhập lậu, tiêu hủy đường nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ… áp dụng đồng bộ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa và  truy xuất nguồn gốc để đối phó với các hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu.

  •  

Tác giả: BÁO CAND

Nguồn tin: Báo CAND:

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay11,948
  • Tháng hiện tại461,300
  • Tổng lượt truy cập5,269,630
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây