Nhiều lợi ích phục vụ người dân và doanh nghiệp từ Đề án 06

Thứ ba - 12/12/2023 04:36
Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, để người dân trực tiếp thụ hưởng những tiện ích mà Đề án 06 mang lại, sau gần 02 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), cùng với lực lượng Công an toàn quốc, lực lượng Công an Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp, giải pháp nhiệm vụ của Đề án 06, góp phần mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
          Thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện
          Với tinh thần tất cả “vì Nhân dân phục vụ”, Hà Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành việc thu thập hồ sơ cấp CCCD gắn chíp cho 100% công dân trong độ tuổi đủ điều kiện. Kích hoạt định danh điện tử đạt gần 93% công dân đủ 14 tuổi trở lên, đứng top 5 toàn quốc. Đây là cơ sở quan trọng để những tiện ích của Đề án được tích hợp phát huy tính năng, tác dụng phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp. Đơn cử như việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế khi sử dụng thẻ CCCD gắn chíp.
IMG 8832
Người dân phấn khởi thực hiện các tiện ích từ Đề án 06
         Với 01 chiếc thẻ CCCD gắn chíp điện tử đã được tích hợp Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, người dân chỉ mất vài phút đã thực hiện xong các thủ tục mà trước đây nếu khai báo thủ công phải mất rất nhiều thời gian. Bà Lê Thị Huyền - người dân phường Liêm Chính, thành phố phủ Lý (Hà Nam) thường xuyên đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết: Tôi cảm thấy rất tiện lợi, đặc biệt đối với những người già, về hưu như chúng tôi. Đến khám bệnh, chỉ cần mang thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Tất cả thông tin đã được tích hợp trong thẻ nên không phải chuẩn bị nhiều giấy tờ như mọi khi nữa.
          Theo đó, đến nay Sở Y tế Hà Nam đã chỉ đạo 100% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử hoặc qua ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán không dùng tiền mặt và khai báo lưu trú qua phần mềm ASM… tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghĩa vụ thông báo lưu trú trong cùng một ứng dụng duy nhất. Quy trình tiếp nhận thông tin của bệnh nhân nhanh chóng, thuận tiện, chính xác và cập nhật thông tin đăng ký lưu trú tự động gửi đến cơ quan Công an. Đây là một bước tiến trong cải cách hành chính, minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, tạo điều kiện tối đa cho người dân trong thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, y tế và thực hiện thắng lợi Đề án 06 trên địa bàn.
          Một ví dụ khác, hiện nay phần mềm lưu trú ASM đã được triển khai tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, nhà cho thuê trọ, nhà ở trong khu công nghiệp… Nếu như trước đây, các khách sạn thường xuyên đón khách lưu trú dài hạn phải đến trực tiếp cơ quan Công an làm thủ tục lưu trú, thì từ ngày 20/5/2023, việc đăng kí lưu trú đã đơn giản hơn khi khách sạn sử dụng phần mềm ASM. Chị Mai Thị Lan Hương, chủ khách sạn Đồng Văn (thị xã Duy Tiên) cho biết, với phần mềm ASM, chị chỉ cần ngồi một chỗ, khai báo trên mạng, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí. Phần mềm này giống như một hệ thống quản lý khách sạn thu nhỏ. Qua đó, biết được bao nhiêu phòng có khách lưu trú, phòng nào check-in, check-out… rất tiện lợi.
        Trao đổi thêm về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Anh Tiến, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hà Nam cho biết: “Phần mềm ASM được kết nối trực tiếp đến hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mọi thông tin lưu trú của người dân được cập nhật một cách thường xuyên và bảo đảm tính bảo mật. Với phương châm “Tiện lợi, an toàn, bảo mật”, hệ thống hỗ trợ thông báo lưu trú qua phần mềm ASM giúp các cơ sở lưu trú thuận tiện trong việc tạo tài khoản, đăng nhập, sử dụng. Ngoài ra, thông qua phần mềm ASM, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cắt giảm thời gian, chi phí lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; công khai minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”.
          Từ những kết quả được ghi nhận, hiện phần mềm ASM đã được nhân rộng toàn tỉnh, với 212 cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn đã đăng ký, qua đó có gần 8.000 lượt khách khai báo lưu trú qua phầm mềm ASM và 27 cơ sở Khám chữa bệnh thực hiện khai báo gần 8.000 lượt lưu trú trên phần mềm lưu trú ASM; trong đó 21 cơ sở lưu trú đã lắp đặt thêm máy quyét QR...
                Ngăn ngừa tội phạm từ sớm, từ xa.
          Với những tiện ích Đề án 06 mang lại, công dân còn có thể sử dụng ứng dụng VNeID để tố giác tội phạm. Dù ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào người dân cũng có thể tham gia tố giác tội phạm, không cần trực tiếp đến cơ quan Công an xã, phường, thị trấn hay gọi đến cơ quan chức năng để cung cấp thông tin. Sau khi người dân tham gia tố giác tội phạm trên ứng dụng VNEID, thông tin sẽ được chuyển trực tiếp đến phần mềm tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn tiếp nhận, tiến hành xác minh, làm rõ tin báo tố giác, nếu có vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng Công an phường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử
Lực lượng Công an tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử
          Ông Lê Văn Hưng, người dân xã Đức Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) phấn khởi cho biết: Trước đây, chúng tôi còn e ngại khi tố giác tội phạm, nhưng khi được cơ quan Công an tuyên truyền về những tiện ích của ứng dụng VNeID có tính bảo mật thông tin cao, không bị lộ lọt danh tính của người tố giác tội phạm như một nguồn động viên, khích lệ những người dân như chúng tôi chủ động tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia tố giác tội phạm, vì cuộc sống bình yên.
          Phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
          Hiện nay, tại Hà Nam việc thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã đạt kết quả tích cực. Nhiều thủ tục hành chính giờ đây chỉ cần đăng kí hồ sơ trực tuyến, giảm tối đa thời gian tiếp nhận, chờ đợi. Điều này đã nhận được sự hài lòng từ phía người dân và doanh nghiệp. Ghi nhận từ góc độ người dân: Được cấp hộ chiếu, đăng ký xe tại nhà; 100% học sinh được đăng ký thi THPT trực tuyến; thực hiện trực tuyến đối với dịch vụ công thiết yếu; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, không phải xếp hàng chờ đợi; xử lý minh bạch, nâng cao trách nhiệm, tránh bị gây phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền. Từ góc độ doanh nghiệp: Được giải quyết, cấp các chứng nhận bảo đảm điều kiện về ANTT, phòng cháy chữa cháy, cấp con dấu...; tiết kiệm về chi phí, hạ tầng, nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, phát triển kinh doanh. Từ góc độ cơ quan quản lý: Cán bộ có thể xử lý hồ sơ 24/24h, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn nhân lực; thực hiện kiểm tra, kiểm soát được số lượng hồ sơ xử lý theo định kỳ ngày, tuần, tháng, quý; giảm thiểu tình trạng tham nhũng…
368508643 155827450950444 206063 1700097597246
Anh Nguyễn Đình Ngọ, cán bộ Văn phòng Thống kê, Bộ phận một cửa xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) trao thẻ BHYT được cấp thông qua dịch vụ công liên thông cho người dân.
          Trao đổi thêm về vấn đề này, Anh Phạm Minh Công - cán bộ Tư pháp hộ tịch xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết: Đơn cử, đối với việc thực hiện 02 nhóm dịch vụ công liên thông giúp giảm bớt thời gian đi lại cho người dân, giảm chi phí giấy tờ. Nếu như trước đây, khi chưa triển khai dịch vụ công liên thông, thì người dân phải đi ít nhất 3 cơ quan và nhiều lần đi lại, thời gian thực hiện tối thiểu cũng phải mất khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, khi triển khai thủ tục liên thông như hiện nay, người dân chỉ cần đi lại một lần duy nhất. Thậm chí nếu người dân không bố trí thời gian đến nhận kết quả, thì chúng tôi sẽ gửi theo đường bưu điện về đến tận nhà cho người dân. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho người dân trong khi triển khai các thủ tục, UBND xã đã trang bị máy tính có kết nối internet, đồng thời phân công cán bộ hướng dẫn trực tiếp, để người dân thực hiện một cách thuận tiện, nhanh chóng.
          Với phương châm, mọi đổi mới, phát triển, cải cách đều phải hướng đến người dân, người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho sự phát triển. Từ những hiệu quả thực tế từ Đề án 06 mang lại, Công an tỉnh Hà Nam đã chủ động nghiên cứu tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả 25/45 mô hình chuyển đổi số từ Đề án 06, tập trung vào 5 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tiện ích phát triển kinh tế - xã hội; tiện ích phục vụ công dân số; nhóm số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ cải cách hành chính; nhóm phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp... trong đó 06 mô hình của Công an tỉnh đã được triển khai và có kết quả tốt được các cấp các ngành và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, tiêu biểu mô hình: Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn; Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà cho thuê, nhà ở trong khu công nghiệp; Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại Cơ sở khám chữa bệnh; Triển khai nền tảng quản lý lưu trú trên xe khách đường dài; Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện an ninh trật tự (Cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ, cơ sở khác); Triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID…
          Tất cả các mô hình sau khi triển khai, thực hiện đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của nhân dân và doanh nghiệp. Đây chính là những mô hình có tính thực tiễn, ứng dụng dữ liệu dân cư và định danh điện tử nhằm chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, bảo đảm an ninh trật tự và mang lại những tiện ích cho công dân và doanh nghiệp trên địa bàn./.

Tác giả: Lê Thị Phượng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây