Dù các bộ, ngành, địa phương đang tập trung nỗ lực số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhưng nhiệm vụ này vẫn tiếp tục cần phải được đẩy mạnh cao hơn nữa để tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, tính đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cấp bộ là 46,36% (tăng 22,14% so với cùng kỳ năm 2023), của địa phương đạt 58,12% (tăng 14,56% so cùng kỳ năm 2023). Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại bộ, ngành đạt 46,38% (tăng 22,14% so với cùng kỳ năm 2023), tại địa phương đạt 64% (tăng hơn 24,46% so với cùng kỳ năm 2023).
Thống kê của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, đến nay, có 18 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ tra cứu, xác thực, khai thác thông tin dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính ngày càng tăng. Ví dụ, trong tháng 4/2024, đã tiếp nhận 1.534.864.111 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin (tăng hơn 15,96 triệu yêu cầu so với tháng 3/2024), giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra xác minh, sao in hồ sơ, giấy tờ tùy thân,...
Các bộ, ngành cũng tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, điểm hình như Bộ Nội vụ đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý khoảng 2.5 triệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi cả nước với 36 bộ, ngành và 63 địa phương hoàn thành việc kết nối, đồng bộ 2.318.994 triệu dữ liệu (đạt 100%, trong đó có 285.553 dữ liệu của các bộ, ngành và 2.033.441 dữ liệu của các địa phương).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các địa phương xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai với 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành, hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp. Một số địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ trên, đơn cử như tỉnh Bình Dương (làm sạch 814.438/896.556 dữ liệu đất đai, đạt tỷ lệ 90,84%), tỉnh Đồng Nai (làm sạch 1.736.804/1.894.113 dữ liệu đất đai, đạt tỷ lệ 91,69%).
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ làm sạch, tạo lập dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, đã xác thực hơn 97,6 triệu thông tin nhân khẩu trong Cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý; làm sạch 13.366 dữ liệu người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán và chuyển Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để cập nhật số định danh, phục vụ nghiệp vụ ngành Chứng khoán.
Cùng với đó, xác thực, đồng bộ và làm giàu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin của 24,55/25 triệu hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý ngành Giáo dục. Chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu trên 106.000 hồ sơ sinh viên tốt nghiệp năm 2023 và thực hiện đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của 23.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2023, phục vụ thống kê, đánh giá tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và dự báo xu hướng nghề nghiệp.
Bộ Công an làm sạch 1.455 dữ liệu cá nhân, đã thực hiện thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trên hệ thống của Bộ Công Thương; Làm sạch 34,9/36,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe cho Bộ Giao thông Vận tải (đạt tỷ lệ 96,4%) để phục vụ cho việc số hóa giấy phép lái xe, tránh để người dân phải mang nhiều giấy tờ cũng như tạo điều kiện thuận tiện cho lái xe trong quá trình kiểm tra, làm các thủ tục hành chính.
Đối với hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Công an đã làm sạch 861.835/969.832 hồ sơ giúp cho Bộ Nội vụ (đạt tỷ lệ 88,86%). Số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư cho 19 địa phương với 16,7 triệu dữ liệu hộ tịch, đồng thời tạo lập dữ liệu cho Hội Nông dân (6,1 triệu công dân), Hội Cựu chiến binh (2,1 triệu công dân), Hội Người cao tuổi (2,3 triệu công dân), Hội Chữ thập đỏ (1,5 triệu công dân); triển khai thí điểm phần mềm quản lý tăng ni, phật tử cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song đánh giá của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cũng cho thấy, về kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện nay vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Cụ thể, việc tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần còn rất hạn chế. 6 tháng đầu năm 2024 ở địa phương mới đạt 10,23% và ở bộ, ngành đạt 1,17% hồ sơ thủ tục hành chính có tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa.
Đơn cử, tính đến tháng 6, Bộ Xây dựng chưa hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch, làm giàu dữ liệu, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Giao thông Vận tải chưa có giải pháp định danh đối với hoạt động vận chuyển và cơ chế hoạt động vận chuyển.
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… chưa định danh được tàu thuyền trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Hiện vẫn có 22 bộ, ngành và 13 địa phương chưa cập nhật đầy đủ các trường thông tin. 6 bộ, ngành và 3 địa phương có chất lượng dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ thông tin trong các hồ sơ đạt tỷ lệ thấp, dẫn đến chất lượng hồ sơ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức chưa đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.
Nguồn tin: Báo CAND: