Việc triển khai Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá trên tất cả các lĩnh vực

Thứ năm - 11/07/2024 03:33
Trình bày báo cáo tại Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được tổ chức chiều 10/7/2024, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc triển khai Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá trên tất cả các lĩnh vực, góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số.

Cắt giảm hàng trăm TTHC, tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, hiện 18 bộ, ngành và 63/63 địa phương hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ làm sạch, tạo lập dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã đơn giản hóa được 207 TTHC, đến nay, đã đơn giản hóa 793/1.084 TTHC được giao tại 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 73,15%), trong đó, có 7/19 bộ, ngành đã thực hiện 100% phương án đơn giản hóa.

Đặc biệt, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện phương án ‘‘ủy quyền giải quyết TTHC’’ với hơn 600 thủ tục được thực hiện ủy quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã, thời gian ủy quyền tiếp tục tới hết năm 2025. Đã có 63/63 địa phương tham mưu với HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí, trong đó, có 4 địa phương (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thái Bình) áp dụng mức phí “không đồng” đối với các TTHC thuộc thẩm quyền đến hết 31/12/2025.

Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến; có 16,39 triệu tài khoản; 328 triệu hồ sơ đồng bộ, 28,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền khoảng 14.528 tỷ đồng; cung cấp 43/76 dịch vụ công thiết yếu; có 83,5% điểm bưu điện/bưu cục trong hệ thống của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp và hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp và Hội nghị.

 

Đề án 06 cũng đã phục vụ hiệu quả triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán hộ kinh doanh. Với 65.786 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng (tăng 28.244 doanh nghiệp, hộ kinh doanh so với tháng 12/2023), số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 489,6 triệu hóa đơn (tăng 416,8 triệu hóa đơn so với tháng 12/2023). TP Hà Nội với 4.443 tổ chức doanh nghiệp và 1.623 hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh bình quân doanh thu sử dụng hóa đơn giấy khoảng 10.941 tỷ đồng/tháng (với các tổ chức doanh nghiệp) khi sử dụng hóa đơn điện tử thu hơn 13.000 tỷ (tăng 3.000 tỷ/tháng) và trên 14.000 tỷ khi sử dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (tăng 1.000 tỷ/tháng).

Đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đã được các đơn vị quan tâm, thực hiện. Kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tăng theo từng năm (năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng); trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã triển khai thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế, thu ngân sách Nhà nước số tiền 2.917,9 tỷ đồng.

Hiện 63/63 địa phương thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho 1.960.749 người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng (tăng trên 7000 tỷ đồng so với tháng 12/2023), trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng áp dụng các chính sách ưu đãi miễn, giảm phí cho các đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Có 72% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng 8% so với năm 2023, vượt 12% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813 ngày 28/10/2021) giúp giảm thời gian đi lại, đảm bảo công khai, minh bạch và chống các vấn nạn tiêu cực trong công tác chi trả.

Từ dữ liệu đã được tạo lập, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đã xác thực, làm sạch 43,9 triệu hồ sơ ngân hàng, thu phí 67 tỷ đồng; cung cấp giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip qua thiết bị tại quầy, xác thực thông tin khách hàng/giao dịch thanh toán tại 21 tổ chức tín dụng, giúp ngành ngân hàng kiểm soát, đánh giá rủi ro trong giao dịch.

100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip với hơn 95,3 triệu lượt tra cứu thông tin, giảm thời gian tiếp đón xuống 12 lần, bước đầu triển khai ki ốt khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội. Triển khai giải pháp xác thực thí sinh dự thi sát hạch lái xe thông qua thẻ CCCD, góp phần giảm thiểu tình trạng thi hộ. Triển khai phần mềm quản lý lưu trú tại 93.388 cơ sở lưu trú triển khai (tăng 65.465 cơ sở so với tháng 12/2023) với 8.778.722 lượt thông báo, giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú quản lý hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2024.

Đặc biệt, ngày 01/7/2024, Bộ Công an đã công bố triển khai dịch vụ xác thực điện tử, ký kết hợp đồng cung cấp với Ngân hàng Vietcombank. Sau 3 ngày triển khai đã có 16,6 triệu tài khoản được các ngân hàng đối chiếu dữ liệu sinh trắc, xác định đúng tài khoản, đúng người có căn cước được Bộ Công an cấp, loại bỏ các tài khoản sử dụng giấy tờ giả, tài khoản không chính chủ.

Đề án 06 đã tạo những công cụ, điều kiện góp phần phục vụ người dân tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, ngày 01/7/2024, Bộ Công an đã phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023, đồng loạt ra quân cấp căn cước tại hơn 600 điểm, trực tiếp thu nhận trên 5.361 hồ sơ, được người dân đánh giá cao thủ tục làm thẻ căn cước nhanh, gọn và việc mở rộng cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi.

Bộ Công an đã thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 5,5 triệu tài khoản so với tháng 12/2023), vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trên 35 triệu tài khoản trước 1 năm, kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản định danh điện tử (tăng 5,55 triệu tài khoản so với tháng 12/2023), tỷ lệ kích hoạt đạt 72,98%. Cung cấp 10 tiện ích trên VNeID  theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với hơn 246,3 triệu lượt truy cập, trung bình có 1,5 triệu lượt truy cập vào VNeID/1 ngày, nổi bật là triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế từ 22/4/2024. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận 2.129 hồ sơ, TP. Hà Nội đã tiếp nhận 10.277 hồ sơ trên VNeID.

TP Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VNeID. Ngân sách thành phố thực hiện hỗ trợ khoảng 9,7 tỷ đồng cho đến hết 31/12/2024 nhưng ước tính sẽ cắt giảm các khoản chi phí cho hàng loạt các dịch vụ vào khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm...


Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp 147.515 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương để sử dụng trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin điện tử các cấp... Riêng Hà Nội đã triển khai giải pháp miễn phí “chữ ký số điện tử cá nhân” cho hơn 50.000 công dân đã có chữ ký số công cộng cùng với hơn 5,2 triệu tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được kích hoạt. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng, điện thoại thông minh và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng vượt chỉ tiêu Chính phủ giao trước 1 năm.

Bộ Công an đã phân tích, đánh giá biến động dân cư tại 11 địa phương phục vụ xây dựng phương án thay đổi địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2024 – 2025; phân tích dữ liệu người cao tuổi trên cả nước cho Hội người cao tuổi Việt Nam; phối hợp Tổng cục thống kê phân tích, đánh giá 230 chỉ tiêu thống kê, ứng với 250 loại dữ liệu cần cung cấp hiện thuộc quản lý của 13 bộ, ngành, qua đó khẳng định có thể cung cấp, đáp ứng 105 chỉ tiêu thống kê khi Trung tâm dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động…

Giải quyết nhanh 6 nhóm tồn tại, hạn chế

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng chỉ ra 6 nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, về pháp lý còn 4 nghị định chưa được ban hành theo thời hạn, thuộc trách nhiệm của: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính. Về dịch vụ công trực tuyến còn 7 bộ, ngành chưa hoàn thành tích hợp, cung cấp 12 TTHC trên Cổng dịch công quốc gia, 53/63 địa phương chưa thực hiện điều chỉnh Hệ thống thông tin giải quyết TTHC theo Nghị định số 63 ngày 10/6/2024 của Chính phủ, nguy cơ không kết nối được với phần mềm dịch vụ công liên thông, người dân không thực hiện được các TTHC liên thông.

Về hạ tầng công nghệ còn 9/22 bộ, ngành chưa hoàn thành việc nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh. Về dữ liệu, 6 tháng đầu năm 2024, ở địa phương mới đạt 10,23% và ở bộ, ngành đạt 1,17% hồ sơ TTHC có tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa. Nguy cơ, năm 2025 sẽ không hoàn thành mục tiêu cắt giảm 50% các TTHC, giấy tờ liên quan đến dữ liệu dân cư...

Các đại biểu tham dự Phiên họp và Hội nghị.

Về an ninh, an toàn bảo mật, hiện còn 33/135 hệ thống chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng. 23/135 hệ thống thông tin chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng, nguy cơ không đảm bảo an ninh, an toàn để kết nối khai thác dữ liệu, cắt giảm giấy tờ cho người dân, không phục vụ công tác quản lý của bộ chủ quản và làm ảnh hưởng đến các bộ khác.

Về nguồn lực triển khai, hiện các bộ, ngành, địa phương chưa có đề xuất về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án thuộc Đề án 06 trong nội bộ các đơn vị dẫn đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có căn cứ báo cáo, đề xuất điều chỉnh. Nếu không tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, sẽ dẫn tới không hoàn thành được các chỉ tiêu đã đề ra đến năm 2025, để phục vụ “Chiến lược phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng thông tin, Cơ quan thường trực đã xác định 6 nguyên nhân, 5 bài học kinh nghiệm và 52 nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới trong Báo cáo toàn văn, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đồng chí Chủ tịch UBND 63 địa phương cần quan tâm, thực hiện…

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 trong 6 tháng cuối năm 2024, phục vụ xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tham mưu xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 175 ngày 30/10/2023; giao Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo theo thủ tục rút gọn, hoàn thành trong tháng 9/2024.

Để phục vụ triển khai Luật Căn cước 2023, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh số hóa, làm sạch dữ liệu (đăng ký khai sinh trước 01/01/2016, thông tin Giấy chứng nhận kết hôn, dữ liệu Giấy phép lái xe, dữ liệu về đăng kiểm) để đồng bộ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng kiến nghị, đề xuất với Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế…nhiều nội dung có liên quan nhằm triển khai hiệu quả những nhiệm vụ cụ thể đã được giao trong Đề án...

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an:

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay16,535
  • Tháng hiện tại617,520
  • Tổng lượt truy cập5,425,850
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây