Cân nhắc lợi, hại trước khi xếp hàng mua vàng

Thứ hai - 10/06/2024 22:18
Các chuyên gia khuyến nghị người dân cần cẩn trọng khi xếp hàng mua vàng như mấy ngày vừa qua, vì hiện giá vàng đang là một biến số khó dự đoán. Ngoài ra, cần phải kiểm soát thị trường vàng bằng công cụ thuế.

Đầu cơ vàng lúc này: Lời ít, rủi ro cao

Sau 1 tuần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bán vàng qua các ngân hàng thương mại, giá vàng miếng SJC đã liên tục giảm mạnh, xuống còn mốc 76 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giá này nếu so với thời kỳ đỉnh cao lúc 92,4 triệu đồng/lượng, thì giá vàng đã giảm tới 16,4 triệu đồng/lượng.

Hiện tại giá vàng trên thế giới cũng đã chọc thủng ngưỡng cản tâm lý 2.300 USD/oz, song thị trường trong nước vẫn ghi nhận lượng người mua vàng tăng vọt. Dường như nhiều người đang nhắm mắt "mua lấy được". Với góc nhìn của biến động thị trường, TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lúc này người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ một động thái ngân hàng trung ương Trung Quốc ngưng mua vàng cho dự trữ của họ thì giá vàng mỗi đêm giảm xuống từ 80 đến 100 USD, cũng như nhiều biến số kinh tế của Mỹ và châu Âu…

"Người dân cần thận trọng, dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng nên thận trọng", TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh. Ông Phước khuyến nghị người dân nên thận trọng, nên mua ít, nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều thì chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính "công sức" chúng ta tạo ra. "Việc cung ứng vàng ra thị trường của NHNN là một nỗ lực của Chính phủ là kéo giá vàng xuống. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối với bao nhiêu mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân. Nếu một hôm không cầm 1 lượng vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống, nhưng nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào… Cho nên cũng cần phải thông cảm rằng, việc NHNN cung ứng một lượng vàng để đáp ứng cho người dân như vậy là tốt", TS Trương Văn Phước nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh, chỉ khi đầu tư mua vàng mà giá vàng tăng lên lúc ấy mới kiếm lời, nếu giá vàng giữ nguyên hoặc giảm đi thì nó chỉ có khía cạnh là mình giữ được 1 chỉ vàng sau 5 năm 10 năm vẫn là 1 chỉ vàng. Do đó người dân phải rất cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều kênh đầu tư có thể kiếm lời, với những người dư dật không nhiều vẫn là gửi tiền tiết kiệm. "Nếu vẫn chưa có đủ điều kiện để đầu tư chứng khoán vì đầu tư chứng khoán cần am hiểu hoặc vẫn không có đủ tiền để đầu tư bất động sản thì vẫn nên gửi tiết kiệm còn gom để mua 1, 2 cây vàng để khi gia đình có công có việc hoặc là tổ chức cưới con cháu thì còn được, còn bảo mua vàng để chờ lên giá bán đi thì tôi nghĩ 1 cây mức lời cũng khiêm tốn", PGS. TS Mùi phân tích.

Đánh thuế để quản lý thị trường vàng

Để khắc phục những dấu hiệu bất ổn trong thị trường vàng hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng. Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Cùng quan điểm, GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ban Tài chính - ngân sách Quốc hội cho rằng, việc nhập khẩu vàng làm vàng nguyên liệu chế biến trang sức và nhập khẩu làm vàng miếng trao đổi dù là hai mục tiêu này khác nhau nhưng dù thế nào thì cũng phải thu thuế. Còn TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu mặt hàng không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế. TS. Nghĩa cho rằng, để quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp căn cơ, quan tâm đầy đủ đến xây dựng biện pháp quản lý vàng, phải học tập kinh nghiệm các nước, quản lý bằng thuế là quan trọng nhất, một số nước bằng quota, hoặc chống độc quyền hạn chế cạnh tranh, gian lận thương mại…

Tương tự, TS.Trương Văn Phước cũng cho rằng, việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. Thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào, với bất động sản hay vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác. "Dĩ nhiên cũng có nhiều quan điểm trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ như thế. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng", ông Phước nói.

Tác giả: BÁO CAND

Nguồn tin: Báo CAND:

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay24,001
  • Tháng hiện tại534,588
  • Tổng lượt truy cập6,168,285
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây