Chiều 2/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tư pháp đã bấm nút kích hoạt triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương báo cáo về kết quả cũng như kiến nghị những nội dung liên quan đến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc, phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Câu chuyện chuyển đổi số đã tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm tin cậy của nhân dân vào chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không có gì khác ngoài việc phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển chung của đất nước. Các dịch vụ, thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ nhân dân được đơn giản hóa, lợi ích của người dân được chăm lo, qua đó nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ, làm theo.
Có được những kết quả trên, theo Thủ tướng Chính phủ đó chính là công tác lãnh đạo chỉ đạo phải trọng tâm, trọng điểm, làm việc gì dứt điểm việc đó, phải quyết liệt, tinh thần quyết tâm phải cao, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, kết quả. Đây là hai mặt song song của một quá trình. Từ 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 43 quyết định, 18 chỉ thị, 4 công điện, 9 phiên họp của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, 40 phiên họp của Đề án 06.
Theo Thủ tướng, sự quyết liệt này còn được thể hiện ở Bộ Công an khi lãnh đạo Bộ Công an sâu sát với cơ sở, đốc thúc, quyết liệt từng ngày. “Làm việc này phải đam mê, phải “máu lửa”, tính quyết liệt phải cao như vậy. Không có câu chuyện làm đại khái mà có kết quả cao”- Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ, công việc hàng ngày, hàng giờ, diễn biến nhanh, cần phải theo dõi sát, chỉ đạo ngay, định hướng gấp. Chuyển đổi nhận thức mới chuyển đổi sang được hành động. Hành động có hiệu quả, quyết liệt mới mang lại tiện ích, lợi ích cho quốc gia dân tộc, góp phần củng cố niềm tin cho nhân dân, doanh nghiệp; tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, TTHC.
Chia sẻ “nhận thức là một quá trình”, Thủ tướng lưu ý phải phân tích, đánh giá mới đi đến thống nhất, triển khai được giải pháp để làm. Đối với Sổ sức khỏe điện tử, Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, bệnh viện đã nỗ lực triển khai, đồng thời nhấn mạnh có Sổ sức khỏe điện tử, Bệnh án điện tử thì các cơ sở y tế cơ sở phân loại được ngay bệnh án, người dân được thụ hưởng, công tác quản lý về sức khỏe cho người dân của các cơ quan chức năng, cơ sở y tế được nâng cao, chất lượng, không phụ thuộc địa giới hành chính.
“Người dân hiện nay đang rất khổ vì câu chuyện địa giới hành chính, từ đi học đến thăm khám chữa bệnh… Các cháu học sinh, người dân ở đâu, gần bệnh viện, thuận lợi đi lại nhất phải được tạo điều kiện đi học, thăm khám chữa bệnh”- Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cho biết, chúng ta đang tích cực xây dựng Luật Dữ liệu, nhiều luật có liên quan cũng đã được ban hành. TTHC tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa. Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3000 thủ tục kinh doanh; cung cấp hàng nghìn dịch vụ công trực tuyến. Đã triển khai 43/53 dịch vụ công thiết yếu; giúp tiết kiệm chi phí cho Nhà nước khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng mỗi năm, cùng nhiều kết quả rất lớn trên các lĩnh vực.
Theo Thủ tướng, hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành được đẩy mạnh kết nối, chia sẻ. Sau gần 3 năm triển khai Đề án 06, đã kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản VNeID. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu rất quan trọng để hoạch định chính sách trên cơ sở dữ liệu, khoa học. Lấy ví dụ việc thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc, Thủ tướng nhấn mạnh, hiện 100% tuyến cao tốc thu phí điện tử không dừng giúp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng cũng thông tin các tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả chuyển đổi số của Việt Nam. “Chúng ta phải củng cố trên tinh thần “biến không thành có, biến không thể thành có thể, đi lên tự lực tự cường, từ bàn tay khối óc, quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị. Nền kinh tế Việt Nam từ không có trên bản đồ thế giới và sau gần 40 năm, đến năm 2023 đất nước chúng ta là một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Phải phát huy tinh thần này để làm, truyền thêm cảm hứng, tự lực, tự cường, tự tin, bản lĩnh để làm. Không có việc gì là không thể”- Thủ tướng nêu quyết tâm.
Về Sổ sức khỏe điện tử và Phiếu lý lịch tư pháp, Thủ tướng nêu rõ: Việc triển khai thí điểm 2 ứng dụng trên mang lại 3 phù hợp và tiện ích lớn cho người dân. Cụ thể, phù hợp với chủ trương đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, làm chủ thể; phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; phù hợp với điều kiện đất nước chúng ta.
Theo Thủ tướng, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, vừa thuận lợi, chính xác; tiếp tục khẳng định cam kết của Chính phủ, bộ, ngành địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số tiếp thêm niềm tin, động lực phát triển chuyển đổi số trong thời gian tới. Thủ tướng biểu dương Bộ Công an, Tư pháp, Y tế, Hà Nội, Thừa Thiên Huế… trong thời gian ngắn đã triển khai hiệu quả để nhân rộng ra toàn quốc đối với 2 ứng dụng này.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong triển khai Đề án 06, Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Thủ tướng nêu rõ bài học kinh nghiệm để thực hiện. Theo đó, phải lấy chất lượng dịch vụ, sự hạnh phúc, ấm no, hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; mạnh dạn thí điểm những mô hình mới sáng tạo, phù hợp với điều kiện hiện nay; có mục tiêu kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, việc gì làm trước, việc gì làm sau.
Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát; tổ chức triển khai quyết liệt đồng bộ, làm việc nào dứt điểm việc đó, tăng cường phản ứng, giải quyết linh hoạt, hiệu quả và quan trọng nhất là người đứng đầu, quyết liệt, phải có tâm, có đức, rất trách nhiệm trong công việc; huy động sức mạnh tổng hợp, tạo niềm tin, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, cho cơ quan, đơn vị mình. “Người đứng đầu mà lơ mơ thì người đứng thứ 2 cũng lơ mơ theo. Người đứng đầu ví như đầu tàu phải kéo cả đoàn tàu đi. Thành hay bại là ở người đứng đầu”- Thủ tướng nêu rõ.
"5 đẩy mạnh, 5 đảm bảo" trong chuyển đổi số
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, tư tưởng chỉ đạo "chỉ bàn làm, không bàn lùi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm".
Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc dứt điểm, phân công rõ người, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, khó khăn phải vượt qua không trông chờ, ỷ lại…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, kết nối dữ liệu, chia sẻ dữ liệu với nhau; nghiêm cấm việc cục bộ, “ôm” cơ sở dữ liệu mà không chia sẻ, kết nối. Xây dựng đường lối, hoạch định chính sách, dựa trên cơ sở dữ liệu, kết nối với Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư; xác định mục tiêu, các nhiệm vụ giải pháp nói chung trong đó có Sổ sức khỏe điện tử, Phiếu lý lịch tư pháp để triển khai hiệu quả.
“Tinh thần hạ tầng phải thông suốt, quản trị con người phải thông minh, tất cả đặt sự chăm lo đời sống, sức khỏe, tính mạng, sự thuận lợi, hiệu quả, tiện ích, lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên trên hết, trước hết. Trên cơ sở đó chúng ta có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí, dàn trải, chia cắt, vừa quản lý tốt, vừa thuận lợi cho việc sử dụng của người dân”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Thủ tướng đặt ra mục tiêu sắp tới mỗi công dân Việt Nam đều sở hữu Sổ sức khỏe, bệnh án trên VNeID. Mục tiêu đặt ra cao, đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới “5 đẩy mạnh” gắn với “5 đảm bảo”. Cụ thể, đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ về tư duy hành động; đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; đẩy mạnh phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo hướng kết nối, chuyên ngành, liên thông; đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên nền tảng VNeID để người dân doanh nghiệp sử dụng và thụ hưởng; đẩy mạnh thông tin truyền thông tạo đồng thuận, hiểu biết, kỹ năng sử dụng trong toàn xã hội;
Về “5 đảm bảo”, Thủ tướng nêu rõ, đảm bảo sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai; đảm bảo hạ tầng số, nền tảng số hoạt động thông suốt, không lõm sóng, không thiếu điện; đảm bảo nhân lực triển khai các tiện ích, đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm, có trách nhiệm cao; đảm bảo 100% người dân, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận được dễ dàng, tiện lợi, chi phí thấp, hướng đến cá nhân hóa các dịch vụ trực tuyến, phát huy vai trò người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tính riêng tư của thông tin, dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” theo thời gian thực, tất cả dịch vụ được tích hợp trong một nền tảng.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương trong triển khai Đề án 06, cũng như thực hiện nhân rộng Sổ sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc. Theo đó, Bộ Công an chủ công và phối hợp đảm bảo hệ thống ổn định an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch; hỗ trợ trong kiểm soát xây dựng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành địa phương; tích cực hoàn thiện Luật Dữ liệu trình Quốc hội để có sơ sở pháp lý để làm, trên tinh thần không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu triển khai những giấy tờ, tiện ích trên VNeID; tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng số; tập trung xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia; tiếp tục nâng cấp hệ thống giải quyết thông tin, TTHC; đẩy mạnh, nhân rộng và phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường thời lượng tuyên truyền về truyền thông chính sách, kỹ năng cho người dân trên các lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số, để triển khai thực hiện hiệu quả; sửa đổi các quy định theo thẩm quyền, đơn giản hóa, cắt giảm TTHC, trong đó có Phiếu lý lịch tư pháp, không gây phiền hà, rườm rà, phức tạp cho người dân…
Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy triển khai Bệnh án điện tử, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh, thành phố cả nước, cố gắng trong năm 2024 hoàn thành xong; nâng cấp hệ thống giải quyết TTHC, các phần mềm, kết nối, rà soát làm sạch dữ liệu về lý lịch tư pháp, án tích, xóa án tích; hoàn thiện Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID để người dân sử dụng, hoàn thành trong năm 2024; đẩy mạnh hướng dẫn cơ sở khám chữa bệnh và người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử, Bệnh án điện tử; nghiên cứu xây dựng Sổ sức khỏe điện tử cho trẻ em đặc biệt lưu ý đến những thông tin tiêm chủng.
Thủ tướng giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đảm bảo hạ tầng liên thông dữ liệu để phối hợp với Bộ Y tế thực hiện hiệu quả Sổ sức khỏe điện tử, Bệnh án điện tử, dù công dân có ở bất cứ đâu trên đất nước cũng đều được khám, chữa bệnh thuận tiện, chất lượng. Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để có ngay lý lịch tư pháp của người dân trên VNeID. Các bộ, ngành tập trung giải quyết những nhiệm vụ chậm, muộn theo nhiệm vụ đã được Tổ Công tác triển khai Đề án 06 nêu ra trong đó có các nội dung liên quan đến tài chính, đầu tư, tài nguyên môi trường,
“Chúng ta đang xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tôi kêu gọi các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là người đứng đầu quan tâm, đầu tư thời gian thích đáng tạo ra sự chuyển biến tích cực về chuyển đổi số. Tất cả những kết quả này được đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tôi tin chắc sẽ thành công”- Thủ tướng nêu rõ.
Nguồn tin: cand.com.vn