Sẵn sàng triển khai thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT trên toàn quốc

Thứ bảy - 29/06/2024 23:05
Ngày 1/7, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, có hiệu lực cao nhất để lực lượng thực hiện nhiệm vụ từ đó phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở.
Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an liên quan đến những nội dung quan trọng cũng như công tác chuẩn bị, triển khai thi hành luật trên toàn quốc.

PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Ngày 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật được ban hành và có hiệu lực đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, có hiệu lực cao, quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở từ việc kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động hoặc được tuyển chọn tham gia hoạt động trong lực lượng này. Qua đó, góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tinh gọn đầu mối để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của lực lượng này được tốt hơn và linh hoạt, chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

PV: Mỗi thôn, tổ dân phố sẽ tổ chức bao nhiêu tổ bảo vệ ANTT và dự kiến số lượng tổ viên trên toàn quốc là bao nhiêu, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Tính đến hết tháng 12/2022, tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc là 84.721 thôn, tổ dân phố. Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thì địa bàn phụ trách của tổ bảo vệ ANTT là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. Do vậy, căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương để tổ chức triển khai theo quy định của luật.

PV: Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được xác định làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong công tác bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng chí cho biết rõ 6 nhóm nhiệm vụ của lực lượng này qua đó thể hiện rõ vai trò "hỗ trợ" Công an cấp xã từ ngày 1/7?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động hiện nay của các lực lượng quần chúng đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật đã điều chỉnh quy định về nhiệm vụ của các lực lượng này sau khi được kiện toàn bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở với 6 nhóm nhiệm vụ được giao, bao gồm hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ: Nắm tình hình về an ninh, trật tự; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý hành chính về trật tự xã hội; vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.

PV: Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật của Công an các đơn vị chức năng, Công an các tỉnh, thành phố sau khi Luật được Quốc hội thông qua?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tham mưu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ và đến nay đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Quyết định triển khai thi hành Luật. Đồng thời, đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; trình đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

 Công an các địa phương đã tham mưu, đề xuất ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về tổ chức sắp xếp, kiện toàn thống nhất lực lượng và chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được luật giao.

 Về việc ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, ngày 8/5/2024, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-BCA-V05 về tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; trong đó, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn 1 địa bàn cấp huyện để tổ chức "điểm" lễ ra mắt đồng loạt trong toàn quốc vào ngày 1/7/2024. Bộ Công an lựa chọn 14 địa phương để mời đại biểu trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về dự, chỉ đạo động viên lễ ra mắt, gồm: TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Hải Dương, Sơn La, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lào Cai, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Dương, Cà Mau, Hậu Giang, Tây Ninh.
 

Tại lễ ra mắt, các địa phương sẽ đồng loạt tổ chức diễu hành, biểu dương lực lượng, ôn lại lịch sử hình thành, công lao đóng góp của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, trình bày tóm tắt nội dung của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật, công tác tham mưu triển khai xây dựng, tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại địa phương.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho ngày ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và triển khai thi hành luật trên toàn quốc.

PV: Nhiều địa phương trên cả nước đã thông qua mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cùng các chế độ, chính sách hỗ trợ. Điều đó cho thấy chính quyền địa phương đã ghi nhận, đánh giá cao vai trò của lực lượng này, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Đến nay, nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tiêu chí thành lập tổ bảo vệ ANTT và tiêu chí về số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT; chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về số lượng tổ bảo vệ ANTT cần thành lập, số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT tại thôn, tổ dân phố.

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức triển khai hoạt động từ ngày 1/7/2024 sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn; kiện toàn, tinh gọn đầu mối, chức danh theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được tốt hơn; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.

Vì vậy, có thể thấy rằng, chính quyền địa phương đã ghi nhận, đánh giá cao vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

PV: Để thu hút người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này, từ ngày 1/7 tới đây, chúng ta sẽ có những chính sách, chế độ như thế nào dành cho lực lượng này, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Để thu hút người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này, luật quy định người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ; được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và các điều kiện bảo đảm hoạt động khác quy định tại luật.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

 

Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,749
  • Tháng hiện tại246,187
  • Tổng lượt truy cập4,207,901
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây