Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này.
Thay mặt Cơ quan soạn thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã giải trình, làm rõ một số vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu liên quan đến Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ; về điểm của giấy phép lái xe (GPLX); về quy định cấm người điều khiển phương tiện trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn...
Giải trình nội dung về điểm của giấy phép lái xe, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, điểm trừ GPLX là một trong những kinh nghiệm của các nước, họ giao cho cơ quan Cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện kiểm tra lại GPLX. “Khi lái xe bị trừ hết điểm thì phải kiểm tra lại tâm lý, sức khoẻ tâm thần, ma tuý và kiến thức pháp luật về an toàn giao thông thì mới được cấp GPLX hoặc cấp điểm tiếp. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng mà chúng tôi đã nghiên cứu” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu.
Về nội dung quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng bảo đảm TTATGT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, hiện nay, kinh tế - xã hội, phương tiện giao thông không ngừng phát triển. Theo quy hoạch thì đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chúng ta sẽ có 41 tuyến cao tốc với chiều dài khoảng 10.000km và có khoảng 30 nghìn km quốc lộ mới và nhiều tuyến tỉnh lộ và các tuyến đường khác được nâng cấp, mở rộng, xây mới.
“Trong khi đó, lực lượng Công an nhân dân nói chung và CSGT nói riêng không được tăng biên chế. Như vậy, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông rất lớn. Vì vậy, chúng tôi xác định cần khẩn trương hiện đại lực lượng lực lượng CSGT nhằm theo kịp xu thế thời đại, đáp ứng yêu cầu công tác” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu và khẳng định “Tiền xử phạt được trích lại không phải để bồi dưỡng cho CSGT mà sử dụng để đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Tới đây, khi hiện đại hoá tuần tra, kiểm soát, việc giám sát, điều hành giao thông sẽ thông qua thiết bị kỹ thuật”.
Về quy định cấm người điều khiển phương tiện trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu rõ: “bằng kinh nghiệm chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT, tôi tha thiết đề nghị các đồng chí để 1 phương án là nồng độ cồn bằng 0 để đảm bảo sự thống nhất trong việc chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn cho người dân”.
Đồng chí Thứ trưởng cũng cho biết, xử lý nghiêm nồng độ cồn nên năm 2023 giảm gần 2.000 người chết so với năm 2022. Nhờ đó, hàng nghìn gia đình không mất người thân, hàng nghìn trẻ em không bị mồ côi, bố mẹ không bị mất con. “Khi chúng tôi chỉ đạo quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn thì tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt như vậy nên chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ phương án nồng độ cồn bằng 0” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật TTATGTĐB được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại hội trường; cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu; đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo cáo, giải trình làm rõ hơn một số nội dung.
Trong đó, đối với việc trích tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và tiền đấu giá biển số xe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về chủ trương, tuy nhiên đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, phối hợp với các cơ quan có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.
Về quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, qua thảo luận và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sẽ tiến hành lấy phiếu xin ý kiến các Đoàn ĐBQH về nội dung này.
Đối với quy định đấu giá biển số xe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều này và quy định chuyển tiếp đảm bảo chặt chẽ.
Về điểm của giấy phép lái xe, cần nghiên cứu giải trình rõ, có tính thuyết phục đây không phải là hình thức xử phạt hành chính bổ sung; bổ sung nguyên tắc cơ bản trong việc trừ điểm giấy phép lái xe, trách nhiệm sát hạch lại, tránh chồng lấn trong công tác quản lý nhà nước.
Đối với Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị rà soát các nội dung chi cho các hoạt động giao thông khác, nghiên cứu nguyên tắc được chi khi Nhà nước không chi và chi chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Ngân sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc bổ sung thêm quy định tại Điều 46 về xe ô tô kinh doanh vận tải cho học sinh, trẻ em, rà soát để quy định chặt chẽ hơn cả về cơ sở kinh doanh vận tải và cơ sở giáo dục. Rà soát kỹ thuật lập pháp và đặc biệt Điều 89 về điều khoản chuyển tiếp đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ, cả về đấu giá biển số xe, giấy phép lái xe, bảo đảm thống nhất giữa pháp luật, nghị định cũ với luật mới; khuyến khích người dân đổi bằng; tiếp thu ý kiến của ĐBQH quy định về đèn vàng...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát quy định về phạm vi điều chỉnh; bổ sung các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tại Điều 84; quy định hình thức kiểm soát trẻ em điều khiển xe máy dưới 50 phân khối và xe máy điện, xe đạp điện… Sau phiên họp, đề nghị các cơ quan liên quan sau khi có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp xây dựng Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Trước đó, ngày 22/5/2024, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đã có 28 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 01 ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận và 09 đại biểu Quốc hội gửi văn bản góp ý. Ngay sau Phiên thảo luận, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.
Tại phiên họp, ngoài những nội dung đã giải trình, tiếp thu tại Báo cáo số 835/BC-UBTVQH15, ngày 18/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật TTATGTĐB gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có Báo cáo đầy đủ về 08 nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật TTATGTĐB và dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường kèm theo các loại tài liệu trong hồ sơ theo quy định.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cơ quan liên quan tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội. Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật như: Về việc trích tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe (quy định tại khoản 1 Điều 5); Về quy định: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 2 Điều 10); Về quy định đấu giá biển số xe (Điều 38); Về điểm của giấy phép lái xe (Điều 58); Về độ tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 59); về Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ (Điều 85); về trách nhiệm quản lý Nhà nước; Việc bổ sung quy định để quản lý đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn và bảo đảm tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành...
Tác giả: Theo Cổng TTĐT Bộ Công an